Quý I/2023 đã kết thúc với việc tiêu thụ các sản phẩm thép không như kỳ vọng bởi ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, với những điểm sáng mới đây đã mang đến dấu hiệu cho thấy ngành thép sẽ tăng trưởng trở lại.
Sức tiêu thụ vẫn kém
Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tính riêng trong tháng 2/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ. Tính chung sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4%.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam (Hải Dương).
Ảnh: Việt Linh
VSA nhận định, bức tranh kinh tế những tháng đầu năm đã có những tín hiệu khả quan với một số chỉ tiêu khởi sắc như tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3 lần... Tuy vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã thấp hơn nhiều với những người rút lui khỏi thị trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 2, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 40.729 tấn sắt thép, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 165 tấn, tăng 246 lần. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ năm đạt 104.000 tấn, tăng gấp 512 lần so với cùng kỳ và chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ thép thành phẩm không được như kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết do thị trường bất động sản trì trệ. Lần tăng giá mới đây nhất, vào ngày 20/3, sản phẩm thép thanh vằn tăng khoảng 150.000 - 160.000 đồng/tấn. Việc tăng giá này đi ngược với kỳ vọng của các đại lý vật liệu xây dựng và nhà thầu.
Từ đầu năm đến nay, các đại lý đều gặp tình trạng ảm đạm chung, tiêu thụ không mấy khả quan. Nhiều nhà thầu nhỏ lẻ giờ lấy ít hàng, chỉ tạm đủ dùng trong giai đoạn ngắn để mong giá cả bình ổn trở lại. Việc giá thép đồng loạt tăng liên tiếp khiến các đơn vị đầu tư xây dựng dự án phải cân đối lại suất đầu tư.
Cần hỗ trợ vượt qua khủng hoảng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Đoàn Danh Tuấn - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng nhận định, tiêu thụ thép trong quý III, IV sẽ tăng trưởng mạnh nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.
Phân tích rõ thêm, ông Đoàn Danh Tuấn cho biết, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó dành 113.850 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam; sân bay Long Thành, các cảng logistics… kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt tăng cao.
Ngoài ra, trong tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án nhà ở xã hội. Những yếu tố này sẽ kéo mức tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay có thể tăng trưởng mạnh.
Lãnh đạo hiệp hội này cũng cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới nên đây là yếu tố hỗ trợ giá thép trong những tháng cuối năm. Năm 2023 với những dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,47 – 6,83%.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 1,5%, Mỹ thậm chí thấp hơn, khoảng 0,5%; còn với các nước Đông Nam Á trung bình khoảng 5%.
Về dài hạn, ông Đoàn Danh Tuấn cho cho rằng, nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240kg/đầu người và sẽ tăng lên 290kg/đầu người vào năm 2030. Nhu cầu thép sẽ tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao.
Qua tìm hiểu cho thấy, hiện nay, hầu hết DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ, vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên, nợ thuế. Nhiều dự án, công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được...
Trước thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh (SACA) Lê Viết Hải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để DN xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng có thể vượt qua khủng hoảng, tránh sự đổ vỡ có tính dây chuyền của toàn hệ thống.
Trong đó, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Mục đích là để giúp các DN trong ngành xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng bởi sự mất khả năng thanh toán của khách hàng trong ngành bất động sản có thời gian thu hồi nợ. Cùng với đó, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm có doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay; hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị