Ngoài ra, còn việc nhiều DN sản xuất thép trong nước dùng nguyên liệu đầu vào không chuẩn, dùng phôi trung tần, sản xuất từ lò trung tần không qua lò tinh luyện, chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều so với các lò đúng tiêu chuẩn quy định nên nhà sản xuất không phải chi phí cho việc tinh luyện và làm sạch thép ở mức độ cho phép. Do vậy, giá của loại phôi này rất rẻ, và chênh lệch hàng triệu đồng/tấn, mà chất lượng phôi không đảm bảo thì chất lượng thép cũng không đảm bảo. Một số nhà thầu vì ham rẻ, tiết kiệm chi phí họ đã sử dụng loại thép này, từ đó tự làm xấu đi hình ảnh của thép nội địa và cũng vô hình trung tạo điều kiện cho thép TQ tràn vào thị trường VN.
Theo ông Đặng Mạnh Hùng – Trưởng phòng thị trường Cty CP gang thép Thái Nguyên (Tisco) - thì tháng 10 - tháng bắt đầu của mùa xây dựng - Tisco chỉ bán được 37.000 tấn và hiện đang tồn kho khoảng 44.000 tấn, trong khi đó tại thời điểm tồn kho cao nhất trước đây chỉ là 20.000 tấn. Phó TGĐ Cty CP gang thép Thái Nguyên - ông Hoàng Ngọc Diệp - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tồn kho thép lớn như hiện nay như việc cấp đầu tư tràn lan các nhà máy sản xuất thép, trong khi đó thị trường BĐS lại đóng băng, lãi suất ngân hàng cao... và thép TQ “lách luật” tràn vào VN dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Hiện giá thép cuộn của TQ bán tại thị trường VN chỉ bằng giá phôi nhập khẩu (thuế nhập khẩu chỉ là 0% còn thuế thép xây dựng là 5%).
Ngành thép hiện nay rất khó khăn, tuy chưa có DN nào tuyên bố phá sản, nhưng nhiều DN đã dừng sản xuất để tập trung bán hàng tồn kho và nhiều nơi đã hết nguồn trả lương công nhân. Một số đơn vị nhập khẩu đã “lách luật” và nhập khẩu “thép hợp kim” xây dựng dạng cuộn, làm lũng đoạn thị trường khiến ngành thép trong nước khốn khó.
Nguồn tin: Lao Động