Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lại lao vào xây nhà máy thép

Trong khi thị trường thép xây dựng cung đang vượt cầu thì tại nhiều nơi nhiều dự án thép với công suất rất lớn vẫn tiếp tục được triển khai và chuẩn bị đưa vào hoạt động.

 

Trong khi lượng thép trên thị trường dư thừa thì nhiều nhà máy vẫn được xây mới - Ảnh: T.T.D.

 

Điều đáng nói là Hiệp hội Thép VN (VSA) đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị về tình trạng dư thừa thép xây dựng, cũng như quy hoạch ngành đã được hoàn chỉnh từ nhiều năm trước đây.

Vượt cầu hơn 3 triệu tấn

Theo kế hoạch, sẽ có thêm ít nhất chín  dự án sản xuất thép xây dựng và phôi thép đi vào hoạt động từ đầu tháng 6-2011,  với tổng công suất thiết kế của các dự án này lên đến trên 2 triệu tấn thép cán (thép xây dựng) và 1 triệu tấn phôi thép/năm, tập trung phần lớn tại Vũng Tàu, Bình Dương và Đà Nẵng.

Trong đó, có những dự án công suất rất lớn như: dự án của Công ty cổ phần Thép Việt đầu tư sản xuất 1 triệu tấn phôi/năm và nâng công suất sản xuất thép thanh, thép cuộn lên 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép cuộn cán nguội (thép tấm, thép lá) công suất 200.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Trung (Thái Nguyên), sản phẩm thép cuộn, thép cây, công suất 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Thép miền Trung (Đà Nẵng), công suất 250.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng), chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây có công suất 250.000 tấn/năm...

Các nhà máy thép mới liên tục xuất hiện khiến lượng thép sản xuất qua mỗi tháng đang gia tăng chóng mặt. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, tính đến cuối tháng 3-2011, sản lượng thép của cả nước ước đạt 8,99 triệu tấn, trong khi đó tổng lượng thép tiêu thụ của cả nước năm 2010 chỉ khoảng 6,32 triệu tấn, tức cung vượt cầu hơn 3 triệu tấn/năm. Nếu tính rộng hơn, trong năm năm gần đây (2005-2010), mức tiêu thụ thép chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty.

Theo một cán bộ của VSA, nếu so sánh với công bố quy hoạch trước đây, những dự án nói trên chắc chắn không nằm trong quy hoạch đã được ban hành trước đó. Cũng theo ông này, khảo sát của VSA cho thấy sáu dự án nói trên chủ yếu được “nâng cấp” từ các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ có công suất vài chục ngàn tấn/năm lên mức 150.000-500.000 tấn/năm nên “có lẽ lúc trước không thấy trong quy hoạch là đương nhiên”.

Thừa thép lại... hao điện

 

Hơn 11 tỉ USD đầu tư vào thép

Theo quy hoạch thép giai đoạn 2007-2015 được Bộ Công thương công bố đầu năm 2009, có 23 dự án với tổng vốn đầu tư trên 11 tỉ USD được phê duyệt. Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho 32 dự án của các địa phương cấp phép được “vào” quy hoạch ngành, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 11,55 tỉ USD và gần 39.000 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch VSA, phương án xuất khẩu thép đã được tính đến nhưng chỉ phù hợp với các loại thép dùng trong lĩnh vực công nghiệp. “Riêng thép xây dựng chỉ xuất khẩu được khoảng 160.000 tấn trong năm 2010, một con số cực kỳ khiêm tốn so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp”, ông Nghi nói.

 

Trong khi đó, theo tính toán của ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, nếu chỉ tính riêng Nhà máy thép Shengli (Thái Bình) công suất 600.000 tấn/năm phải cần đến lượng điện có công suất 300 MW để vận hành.

Nếu so sánh với Nhà máy thủy điện Trị An công suất 400 MW sẽ thấy ngành thép đang ngốn điện kinh khủng như thế nào. “Điều này làm phá vỡ quy hoạch điều tiết điện năng ở một số địa phương. Đơn cử như Bà Rịa - Vũng Tàu, trong vòng ba năm gần đây đã phải điều chỉnh đến bảy lần về quy hoạch điện”, ông Tước nói.

Ông Phạm Chí Cường cho biết tùy theo công nghệ thiết bị sử dụng, trung bình các doanh nghiệp sản xuất thép tốn 500-700kWh để tạo ra 1 tấn thép xây dựng thành phẩm, khoảng 275kWh đối với doanh nghiệp sản xuất thép cán nguội. Vì vậy, dù công suất sản xuất thiết kế từ vài trăm ngàn tấn đến cả triệu tấn thép/năm, ngay cả khi chạy 60-70% công suất thiết kế, các doanh nghiệp thép cũng đã tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ chút nào.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành thép, sở dĩ có tình trạng nói trên là do thép không thuộc lĩnh vực cấm đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo luật định, các dự án luyện kim có vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên không có trong quy hoạch được duyệt phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thực tế, theo Luật đầu tư, việc một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đối với những dự án thép không có trong danh mục quy hoạch được duyệt và có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỉ đồng (thuộc nhóm B và C) là không sai. Tuy nhiên, theo Luật xây dựng và các nghị định hướng dẫn, đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch ngành, trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.

Các dự án sản xuất thép chưa có trong quy hoạch được duyệt và thuộc nhóm B vẫn phải xin ý kiến chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước khi lập dự án.

Bất cập này, theo Bộ Công thương, xuất phát từ sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật và là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng chục dự án không có trong quy hoạch đã được cấp phép đầu tư, dù công suất cán thép dư thừa rất lớn. Trong khi một số loại thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao như thép không hợp kim, thép mạ điện hợp kim để phục vụ nhu cầu sản xuất cơ khí, ôtô, động cơ điện... vẫn chưa sản xuất được thì nhà đầu tư lại không mấy mặn mà.

Nguồn tin: Tuoitre

ĐỌC THÊM