Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất "ăn" hết lợi nhuận

Ngày 15-5, lãi suất (LS) huy động VND tại một số ngân hàng (NH) nhỏ đã lên đến 22-24%/năm trong khi đó LS cho vay bị đẩy lên mức 27-28%/năm. Mặt bằng LS có lợi cho người gửi nhưng bất lợi cho người vay đang đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng đình đốn, thu hẹp sản xuất.

 

Với lãi suất cho vay quá cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết phải tạm ngưng các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất - Ảnh: T.V.N.

 

Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến, cho biết cần vay 6 tỉ đồng vốn lưu động nhưng NH thông báo LS lên đến 24-25%/năm. “DN phải lãi trên 30% mới kham nổi LS này” - ông Kiên nói. Theo ông Kiên, mức lãi 30% là không tưởng vì thị trường đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, sức mua yếu.

Chạy tiền trả lương công nhân

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - giám đốc Công ty TNHH may Minh Châu (TP.HCM) - thổ lộ dù rất muốn vay vốn để cân đối nguồn vốn lưu động và thanh toán một số đơn hàng xuất khẩu do đã mở L/C, nhưng khi đặt vấn đề với NH, được biết LS trung - dài hạn khoảng 22%/năm, LS vay ngắn hạn từ 3-6 tháng đã vượt 25%/năm đành phải ngưng vay.

“Với LS hiện nay thì DN chỉ biết đứng xa xa nhìn vì biết chắc nếu vay thì không cách gì trả lãi nổi” - bà Linh nói. Giám đốc kinh doanh công ty sản xuất thời trang thuộc loại lớn tại TP.HCM cho biết rất nhiều DN gặp nhau bây giờ chỉ hỏi có sống sót được qua năm nay hay không chứ chẳng ai khoe với nhau năm nay sẽ lời bao nhiêu, hoặc tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm.

Một chuyên gia lâu năm ngành dệt may tiết lộ không ít DN quy mô khoảng vài trăm công nhân hiện rất vất vả “chạy” tiền để trả lương cho công nhân khi tiền thanh toán đơn hàng xuất khẩu chưa kịp về tài khoản. “Với LS hiện nay, dù chỉ vay ngắn hạn DN cũng muốn ngất xỉu vì nếu tính khoản tiền công ít ỏi từ các hợp đồng may gia công, DN nào còn giữ được vốn để tìm các hợp đồng mới là quá giỏi chứ đừng nói có lời để trả lãi vay” - ông nói.

Trong cuộc họp mới đây của Hiệp hội Nhựa TP.HCM, các thành viên cũng phản ảnh tình trạng khó vay vốn NH, LS vay quá cao (trên 24%/năm). Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, chủ tịch Hiệp hội Nhựa, nói nếu LS không cải thiện, DN sẽ co cụm thậm chí đình trệ sản xuất. Hiện nhiều DN chọn phương án giảm dự trữ nguyên liệu chỉ còn 1-2 tuần, thay vì mức 1-2 tháng như trước đây cũng vì không đủ “lực” tài chính.

Siết cho vay

LS huy động tăng cao đã đẩy LS cho vay trên thị trường lên mức 27-28%/năm, thậm chí tiệm cận 30%/năm. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho biết hiện NH chỉ còn cho vay với mục đích sản xuất kinh doanh và các dự án bất động sản dở dang. Các mục đích vay khác đều được NH trả lời là “tạm ngừng giải ngân” hoặc “đang xem xét”.

Do LS huy động tăng cao nên NH quy định thay đổi LS hằng tháng, đồng thời đánh giá rất kỹ khoản vay, kể cả với khách hàng cũ để tránh rủi ro. NH Nhà nước công bố bốn tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 5,01%, tính ra trong tháng 4 tín dụng chỉ tăng 0,2%. Tại NH Nhà nước TP.HCM, tín dụng tháng 4-2011 chỉ tăng 2.200 tỉ đồng, bằng mức tăng của một NH lớn trong một tháng tại thời điểm thông thường.

Nhiều NH cho biết khả năng cung ứng vốn cho DN từ nay đến cuối năm hết sức khó khăn do NH Nhà nước giới hạn tăng trưởng tín dụng không vượt quá 20%, đến nay nhiều NH nhỏ đã cán mức này, do vậy bảy tháng còn lại của năm 2011 chỉ cho vay trên cơ sở các khoản thu nợ được. Một số NH chưa sử dụng hết hạn mức nhưng hạn chế cho vay để giữ thanh khoản do huy động vốn khó khăn vì NH Nhà nước siết cung tiền.

Bốn tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,98% so với cuối năm 2010, riêng trong tháng 4 - thời điểm LS huy động trên thị trường tăng đột biến - tổng phương tiện thanh toán giảm 0,72% so với tháng 3. NH Nhà nước cũng cắt dần nguồn cung bằng cách gia tăng các loại LS thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu. Tính từ tháng 11-2010 đến nay, NH Nhà nước đã sáu lần liên tiếp tăng LS tái cấp vốn, trong thời gian này LS chiết khấu cũng tăng ba lần.

Nguồn tin: Tuoitre

ĐỌC THÊM