Trong khi thị trường ngoại tệ đang nguội dần thì lãi suất VND như những con sóng ngầm, chỉ trực để ào lên. Phải ứng xử thế nào với lãi suất VND để vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa để ngân hàng, doanh nghiệp “sống” được?
nhỏ thì thấy họ đang rất căng thẳng về tiền đồng
Lãi suất VND đang ở mức nào ?
Theo công bố của NHNN, lãi suất huy động VND của các NHTM hiện vẫn ở mức 13,5-14%/năm; lãi suất cho vay cao nhất là 18%/năm. Song đó chỉ là bề nổi. Thực chất, sóng ngầm lãi suất huy động (LSHĐ) đang lớn dần.
Hiện hầu hết các NHTM vẫn giữ bảng niêm yết LSHĐ bằng VND ở mức 14%/năm, nhưng đã có ngân hàng phải “cắn răng” huy động vào ở mức gần 20%/năm. Quy định của NHNN về trần LSHĐ 14%/năm vẫn còn hiệu lực nên tất nhiên các NHTM không dám công khai mức lãi suất “thực”. Nhưng nhìn vào động thái của nhiều NHTM, nhất là khối các NHTMCP nhỏ thì thấy họ đang rất căng thẳng về tiền đồng.
Từ trung tuần tháng 4/2011 các NHTM ồ ạt triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để hút vốn VND. Nếu OceanBank đang triển khai chương trình chăm sóc khách hàng “Vui đón hè sang - Rộn ràng quà tặng”; thì ngân hàng Kiên Long có “Khuyến mãi lớn - Mừng ngày lễ lớn”. NHTMCP Sài Gòn (SCB) cũng triển khai chương trình “Sinh nhật vàng, Ngập tràn ưu đãi”; Hay chương trình “Ngập tràn quà tặng - Triệu triệu niềm tin” của WesternBank rồi “Gửi 1 được 3” của TRUSTBank; Hấp dẫn với “ Năm sinh Diệu kỳ” của ACB. Ngay cả những ngân hàng nhà nước lớn như BIDV và Agribank cũng tung ra những chương trình tiết kiệm dự thưởng. Nhiều ngân hàng than phiền, việc huy động vốn không còn đơn giản như trước đây. Giám đốc một NHTM lớn thừa nhận, việc giữ khách hàng là rất khó. Không gặp vấn đề về thanh khoản nhưng ngân hàng của ông cũng buộc phải đưa ra chương trình tiết kiệm dự thưởng. Ông thanh minh: “Chương trình của chúng tôi chỉ áp dụng cho những khách hàng cũ, đối phó với những chiêu hút khách của ngân hàng khác, chứ không có ý tranh giành với ai cả (!?)”.
Ngoài việc mặc cả lãi suất tiền gửi với khách hàng, các ngân hàng còn áp dụng nhiều chiêu thức nhằm giữ và thu hút khách hàng |
Ngoài việc mặc cả lãi suất tiền gửi với khách hàng, các ngân hàng còn áp dụng nhiều chiêu thức nhằm giữ và thu hút khách hàng. Trước quy định khách hàng gửi tiết kiệm nếu rút trước hạn sẽ bị tính lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, các NHTM đối phó bằng cách nâng mức lãi suất, bất kể có hạn hay không kỳ hạn đều bằng nhau… thì vẫn chưa đủ để giữ chân khách hàng. Do đó hiện tượng “đi đêm” trong huy động vốn có nguy cơ gia tăng, càng làm tăng tiêu cực; thị trường lãi suất sẽ mất phương hướng.
Hiện tượng này có vẻ giống như 6 tháng đầu năm 2010, khi NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Nhưng nếu như trong năm ngoái sau khi thấy lạm phát “có vẻ” ổn, NHNN đã vội vàng nới tay, khiến tín dụng tăng nhanh, lãi suất cũng theo đó mà leo thang. Bài học này còn quá mới nên các NHTM không thể hy vọng chính sách tiền tệ năm 2011 sẽ lặp lại kịch bản năm ngoái.
Lãi suất: biết “đi đâu, về đâu”?
Chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến VND ngày càng khan hiếm, nhiều NHTM rất khó khăn về nguồn VND. Theo báo cáo nhanh của các NHTM, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng từ trung tuần tháng 4 đạt xấp xỉ 21.009 tỷ VND và 702 triệu USD/ngày. Các giao dịch bằng VND tập trung chủ yếu vào kỳ hạn ngắn 1 tuần, chiếm khoảng 45% tổng doanh số. Điều này cho thấy thanh khoản của các NHTM đang rất có vấn đề.
Mặt khác, tuy NHNN kiên quyết giữ tăng trưởng tín dụng năm nay dưới mức 20%, nhưng không phải vì thế mà các NHTM dừng cho vay. Lãi suất cho vay thường được các NHTM xác định dựa trên công thức: LSHĐ kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ (2 - 2,5%/năm). Nhưng hiện LSHĐ giữa các kỳ hạn đều như nhau. Và với LSHĐ bằng VND được niêm yết ở mức 14%/năm, nếu cộng thêm biên độ thì lãi suất cho vay cao nhất cũng chỉ 16 - 18%. Nhưng đấy chỉ là lý thuyết. Vì LSHĐ trên thực tế đâu có ở mức 14%/năm. Hơn nữa, tín dụng vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng. “Lượng” đã bị NHNN chốt thì tất yếu “chất” phải tăng. Việc các NHTM nâng lãi suất cho vay, giãn xa khoảng cách lãi suất đầu vào - đầu ra là tất yếu. Thế nhưng lãi suất cho vay quá cao, nhiều doanh nghiệp sẽ không dám vay ngân hàng. Nếu doanh nghiệp liều vay, đồng nghĩa với rủi ro tín dụng tăng.