Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất cao sẽ làm kinh tế thiểu phát?

Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: "Mục tiêu trước mắt của chính sách tiền tệ là lãi suất tín dụng phải hạ xuống để vừa đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp vừa bảo đảm là doanh nghiệp chịu được lãi suất đó". Nhưng, một số ngân hàng cổ phần nhỏ đang "âm thầm" tăng lãi suất huy động ...

Âm thầm

Câu chuyện lãi suất đang là đề tài nóng bỏng nhất của kinh tế vĩ mô hiện nay. Có lẽ rằng các nhà điều hành kinh tế đang đối mặt với bài toán hóc búa là "bộ ba bất khả thi" giữa lãi suất, tăng trưởng và lạm phát. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn dùng chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất xuống mức như mong muốn thì phải bơm vào nền kinh tế một lượng tiền lưu thông khá lớn, nhưng điều này thì lại đẩy quả bom lạm phát bùng nổ.

Còn nếu NHNN để cho lãi suất vận hành theo cung cầu vốn thì phải mất một thời gian khá lâu mặt bằng lãi suất mới có thể hạ xuống như mong muốn, điều này sẽ làm trì trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng...

Từ ngày 20/5/2010, một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ tăng lãi suất huy động: cao nhất lên đến 13%/năm và phần lớn đã tiệm cận mốc 12%, vượt mức 11,5% đã được xác lập phổ biến thời kỳ đầu tháng. Trong khi đó, mức lãi suất của các ngân hàng do Nhà nước chi phối về vốn chủ sở hữu vẫn ổn định, không có biến động lớn.

Theo nghị quyết của Chính phủ trong phiên họp cuối tháng 4 vừa qua thì lãi suất huy động phải được "kéo" xuống 10,5% và lãi suất cho vay nên ở mức 12% là phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và thực hiện mục tiêu ngăn chặn lạm phát cao trở lại. Với việc tăng lãi suất huy động vượt ngưỡng 12%, khả năng thực hiện chỉ đạo trên là không khả thi, lãi suất cho vay của nguồn vốn huy động này sẽ phải ở mức xoay quanh 15%/năm.

Đáng chú ý, phần lớn các giao dịch tiền gửi theo lãi suất mới này đều diễn ra "âm thầm" trong từng giao dịch, không thể hiện trên các bảng niêm yết của ngân hàng. Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần thì khách hàng đòi lãi suất cao trước hết là từ phía tiền gửi của các doanh nghiệp và khi không nâng lãi suất theo như yêu cầu của họ, ngân hàng này đã mất nguồn huy động khỏang 4.000 tỷ đồng.

Nếu được sử dụng nguồn vốn kinh doanh từ thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp (dao động từ 11,19 - 11,43%) thì các ngân hàng có được nguồn vốn huy động với lãi suất thấp hơn thị trường tự do (thị trường 2) để cho vay ở mức lãi suất thấp, thuận chiều xu hướng chỉ đạo lãi suất của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, Ngân hàng NHNN mới đây đã cảnh báo các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 20% vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng (thị trường 1) so với tổng nguồn vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp.

Không thể dùng tối đa nguồn vốn từ thị trường có tổ chức, một số ngân hàng cổ phần đang lao vào cuộc chạy đua lãi suất huy động trên thị trường tự do để có vốn kinh doanh, kỳ vọng đạt lợi mức nhuận và lợi tức đã cam kết với các cổ đông, "đánh bóng" lại hình ảnh trước khi bước vào giai đọan quyết định sự tồn tại của chính mình.

Trước thời điểm chịu "phán xử"?

Các chuyên gia ngân hàng và điều hành chính sách chưa có nhận định hoặc chỉ ra được lý do của việc tăng lãi suất huy động kể trên, tuy nhiên, thời điểm các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ đang đứng trước thời điểm chịu "phán xử" từ phía Nhà nước và trước nhà đầu tư tiềm năng là hiện hữu.

Theo lộ trình được Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2006, đến cuối năm nay, tất cả các ngân thương mại buộc phải tăng vốn điều lệ lên ít nhất 3.000 tỷ đồng. Tiếp đó, Dự thảo "Luật các tổ chức tín dụng" đang thảo luận trong kỳ họp Quốc hội lần này tiếp tục đưa ra mức vốn điều lệ tiếp tục tăng lên 5.000 tỷ đồng (2012) và 10.000 tỷ đồng (2015).

Cũng theo dự thảo Luật trên, mức sở hữu tối đa cho mỗi cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức cũng được khống chế ở mức từ 5% đến tối đa là 15% nhằm đạt mục tiêu hạn chế sự lũng đọan của một nhóm cá nhân; tổ chức trong một ngân hàng nhưng cũng đặt ra bài tóan khó cho các ngân hàng quy mô nhỏ khi muốn tăng vốn điều lệ đạt mức yêu cầu của luật định.

Muốn thu hút thêm nhà đầu tư, cổ đông lớn, buộc các ngân hàng cần tăng vốn điều lệ phải "đánh bóng" lại hình ảnh của chính mình trước khi thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn cho đủ quy định. Mà hình ảnh trước hết phản ảnh qua doanh số kinh doanh, lợi tức, quy mô vốn, hệ thống mạng lưới dịch vụ ...

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tăng quy mô tỷ lệ an tòan vốn tín dụng từ 8% lên 9% cũng làm cho các ngân hàng quy mô nhỏ mất một lượng tiền huy động phải "ngủ yên" trong quỹ mà không sinh lời. Để bù đắp khỏan lãi phát sinh do lượng tiền huy động phải nằm "bất động", chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng cũng phải tăng thêm để  "bù" cho khỏan phải "trả lãi âm" phát sinh hàng ngày.

Cuộc đua lãi suất, xuất phát trước hết và diễn ra chủ yếu từ các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ trong lúc các ngân hàng Nhà nước chi phối vẫn kiên định mức lãi suất theo chỉ đạo, phải chăng là minh chứng rõ nét cho hiện trạng bất cân xứng quá lớn trong các tổ chức tín dụng hiện nay ?

Chỉ cần một quyết định cung tiền, với giá rẻ, từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ làm cho các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ phá sản vì chính mức lãi suất huy động mà họ đang chạy đua hiện nay.

Trong tuần từ 10 đến 14/5, NHNN đã "bơm" ra tổng cộng 14.481 tỉ đồng, gấp đôi tuần trước đó. Có những thông tin trong giới ngân hàng dự báo rằng NHNN sẽ tăng lượng tiền "bơm" ra tới 50.000 tỉ đồng/tháng trong tháng 5 và 6-2010 để đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 12%/năm.

Cuộc chạy đua lãi suất hiện nay có thể làm cho một số ngân hàng tiếp tục duy trì họat động kinh doanh, đưa ra hình ảnh tích cực trước mặt các cổ đông hiện hữu. Nhưng, có thể, đó là một cuộc chạy nước rút... cuối cùng trước khi cùng nhau "xuống đáy" nếu không tìm được thị phần ở khỏan cho vay mua sắm; tiêu dùng hiện còn dư địa lãi suất khá lớn.

Giám sắt chặt

Lãi suất huy động và theo đó là cho vay tăng, trước hết sẽ giảm khả năng cung tiền từ ngân hàng thương mại cho nền kinh tế vì vượt quá sức "chịu đựng" của người vay. Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành thì đây là một nguy cơ dẫn đến tình trạng "thiểu phát" của nền kinh tế chứ không phải nguy cơ lạm phát tăng cao.

Không những chỉ khiến lãi suất huy động thực tế cao hơn lãi suất niêm yết, các hình thức khuyến mãi khiến lãi suất huy động tăng cao hiện nay khiến người gửi tiền vẫn tiếp tục kỳ vọng vào việc lãi suất tiền gửi sẽ còn cao, tạo tâm lý không thuận cho việc thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay, ngăn chặn lạm phát tăng cao mà Thủ tướng và NHNN đang chỉ đạo.

Mức lãi suất cao cùng hình thức huy động không công khai còn làm cho thị trường tín dụng họat động không minh bạch, sự cạnh tranh không công bằng; đi chệch hướng thay vì chú trọng chất lượng dịch vụ lại tập trung vào "phá giá vốn" giữa các ngân hàng thương mại.

Không lọai trừ một mục tiêu "ẩn' sau việc huy động lãi suất cao của những ngân hàng cổ phần đang chịu sức ép phải tăng vốn điều lệ đạt mức quy định yêu cầu. Khỏan huy động này sẽ được vận hành thế nào, được sử dụng vào mục tiêu gì và có thể được chuyển hóa từ bản chất từ nguồn vốn kinh doanh sang vốn chủ sở hữu hãy không, thông qua một vài hình thức chuyển hóa hợp pháp như trái phiếu công ty, cần được giám sát kỹ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thái độ kiên quyết, nhất quán của Chính phủ và NHNN đối với các tổ chức tín dụng có khả năng không đạt mức vốn điều lệ trước cuối năm nay đang được thử thách.

tuanvietnam

ĐỌC THÊM