Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất cho vay giảm tới đâu?

Từ ngày 8.9, lãi suất huy động đã chính thức giảm xuống còn 14%/năm ở các ngân hàng. Qua nửa tháng từ đó đến nay, phía ngân hàng tuyên bố đã có gói lãi suất ưu đãi. Phía doanh nghiệp cho rằng, lãi suất vẫn cắt cổ, nhưng họ vẫn phải vay chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm.

 

 
Vào mùa sản xuất cuối năm, nhiều doanh nghiệp buộc phải vay vốn ngân hàng, dù lãi suất chưa giảm như kỳ vọng của doanh nghiệp.Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, giám đốc khối doanh nghiệp ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cho biết, trong vòng một tháng nay đã giải ngân hơn 1.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng cho hơn 100 doanh nghiệp với mức lãi suất 17 – 19%/năm. Mức lãi suất 17 – 19% này tuỳ thuộc vào bảng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của Maritime Bank.

30.000 tỉ đồng với lãi suất “rẻ”

Đại diện ngân hàng Eximbank cho biết trong vòng một tuần nay đã giải ngân 500 – 600 tỉ đồng trong gói tín dụng 3.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.

Hàng loạt các ngân hàng thương mại đã công bố gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp kể từ ngày 8.9, ngay sau khi lãi suất huy động giảm xuống 14%/năm. Tính con số các ngân hàng có công bố, tổng cộng có khoảng 30.000 tỉ đồng tín dụng dành cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi từ 16 – 19%/năm. Mức lãi suất cho vay ưu đãi tập trung vào các đối tượng ưu tiên là xuất khẩu, sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo giám đốc một ngân hàng, các khoản vay ngắn hạn cho các khách hàng “ruột” và tốt vẫn là đối tượng tập trung của ngân hàng ông.

30.000 tỉ đồng này là con số rất nhỏ khi so sánh, chỉ bằng hơn ba lần lượng dư nợ tín dụng tài trợ xuất khẩu trong bảy tháng của một ngân hàng như BIDV. Theo số liệu của ngân hàng BIDV trong cuộc toạ đàm “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” ngày hôm qua 22.9, trong bảy tháng đầu năm nay, BIDV đẩy mạnh hoạt động tài trợ xuất khẩu, tập trung cho vay lĩnh vực gạo, cao su, gỗ, thuỷ hải sản… Tổng dư nợ tài trợ xuất khẩu tính đến ngày 31.7 là 8.854 tỉ đồng, tăng 535 tỉ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 3,6% tổng dư nợ. Trong đó, cao nhất là thuỷ sản chiếm 41,3%, gạo chiếm 21,7%, còn lại là gỗ, cà phê, cao su, các sản phẩm khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, nếu không thuộc đối tượng doanh nghiệp ưu tiên, mức lãi suất cho vay hiện nay ở Maritime là 22 – 23%/năm, thậm chí cao hơn. Hạn mức tăng trưởng tín dụng ở Maritime Bank hiện nay còn hơn 10%, và ông Linh cho biết ngân hàng sẽ tận dụng hết, vì khả năng sang năm ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tín dụng dựa vào số dư cuối kỳ.

Bà Dương Thu Hương, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cần thời gian để lãi suất thật sự giảm trên diện rộng. Theo bà, từ khi đồng thuận lãi suất đến nay chưa được nửa tháng, trong khi lãi suất huy động ở mức 18 – 19% đã kéo dài hơn tám tháng nay, thì cần một quá trình dài hơn để lượng vốn giá rẻ hoà với lượng vốn giá cao để đưa giá vốn dần dần hạ xuống. “Đòi hỏi ngay lập tức lãi suất phải giảm cho tất cả doanh nghiệp là không thể”, bà Hương nói.

Theo đó, hiện nay ngân hàng thương mại mới chỉ tính toán dành ra lượng vốn bao nhiêu để đưa ra gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp ưu tiên, chứ không thể “choàng” hết ngay một lúc cho tất cả doanh nghiệp.

“Cắt cổ” vẫn phải vay

“Lãi vay ngân hàng trong tuần đầu tháng 9 là 22%. Đến 18.9 được giảm còn 20%, ngân hàng cho biết khi nào có chính sách giảm tiếp, thì họ mới điều chỉnh”, ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc công ty Miti cho biết như vậy. Hiện nay dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay xuống còn 17 – 18%, nhưng thực tế số đơn vị được vay theo mức lãi suất này không nhiều. Do vậy, sau cả tháng chần chừ, chờ đợi lãi suất giảm, rút cục ông Kiên cũng phải vay ngân hàng để dự trữ nguyên liệu sản xuất vali du lịch và các loại túi xách thời trang, để còn kịp tiến độ tung hàng bán dịp cuối năm.

Ông Kiên cho biết, công ty đang phải trải qua những ngày tháng cầm cự vì lãi vay ngân hàng cao, áp lực tăng giá từ chi phí lương, giá nguyên liệu nhập, chi phí bán hàng… nên mức lợi nhuận còn lại chỉ còn bằng nửa năm ngoái. “Nhưng chẳng lẽ đã đến mùa vụ bán hàng, lại bỏ qua cơ hội? Mất thị phần thì sau này khó lấy lại, nên đành cắn răng vay vốn để sản xuất tiếp,” ông Kiên nói.

Tập đoàn Đại Phát cũng vừa ký hợp đồng vay vài chục tỉ đồng từ ngân hàng để trữ nguyên liệu. Dự đoán sức mua cuối năm nay sẽ giảm khoảng 10%, nếu có tăng bất ngờ vào giờ chót thì chỉ có thể bằng năm ngoái, vay với lãi suất cao sẽ không đạt hiệu quả về lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Nam, phó tổng giám đốc tập đoàn này nói: “Một năm sản phẩm đồng thờ cúng chỉ có một mùa bán hàng tốt nhất là dịp tết nên không thể bỏ qua, nhưng nếu lãi vay lùi về 15% thì doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn”.

Một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho rằng lãi suất ngân hàng vẫn “cắt cổ”. Vị này tính, sản xuất thực phẩm bán dịp tết chỉ chừng hai tháng, nên vốn vay xoay chỉ được một vòng, mất 3,4% (1,7%/tháng x 2 tháng). Lợi nhuận của nhóm hàng thực phẩm, sau khi trừ đi các chi phí sản xuất và bán hàng, còn chừng khoảng 8%, trả lãi ngân hàng còn 4,6%. Cân đối số lượng không khéo, lỡ mà bị hàng tồn, coi như lỗ nặng. Còn bán hết hàng, khoản thu được còn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, lãi còn rất ít…

Nguồn tin: SGTT.VN

ĐỌC THÊM