Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất cho vay sẽ giảm dần

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong khuôn khổ Hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” khai mạc chiều 23/8, ông ĐINH THẾ HIỂN, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, trước mắt, lãi suất chưa giảm như kỳ vọng, nhưng trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ về 17%/năm.

Theo ông, cơ sở nào để đưa ra nhận định lãi suất cho vay sẽ giảm dần?

Mức lãi suất cho vay thỏa thuận bình quân 20 - 22%/năm hiện nay là không hợp lý. Các doanh nghiệp đang phải gánh chịu chi phí lãi vay quá cao (20 - 23%/năm), thậm chí lên tới 25%/năm. Vì thế, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó có thể duy trì được mức cao trong thời gian dài. Việc giảm dần lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay không chỉ có doanh nghiệp quan tâm, mà ngay cả các cơ quan, ban, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước cũng tìm cách để đưa lãi suất về mức hợp lý hơn, nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khi nào lãi suất cho vay sẽ giảm, thưa ông?

Theo tôi, trong quý III/2011, lãi suất cho vay sẽ giảm khoảng 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Nhưng nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng này được kiểm soát ở mức thấp, thì khả năng lãi suất sẽ tiếp tục giảm dần trong thời gian tới và có thể về mức kỳ vọng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định.  Mặt khác, nếu các công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước, như bơm vốn qua thị trường mở và sửa đổi Thông tư 19/2010/TT-NHNN, cũng như xem xét để linh hoạt hơn trong việc sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng, thì khả năng mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và có thể về mức kỳ vọng 17 - 18%/năm cho sản xuất, kinh doanh.

Có nghĩa là, doanh nghiệp phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể tiếp cận nguồn vốn có mức lãi suất thấp hơn?

Nếu mặt bằng lãi suất cao hiện nay tiếp tục duy trì trong thời gian dài và không có biện pháp để giảm dần, thì sẽ đem lại khó khăn lớn cho các DN. Thực tế, lãi suất huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay cao nhất trong nhóm các nước có lãi suất huy động cao nhất thế giới, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Để kiểm soát lạm phát, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là siết chặt các chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng, với mục tiêu dư nợ cả năm nay không được tăng quá 20%. Tuy nhiên, do áp lực lãi suất tăng cao nên tín dụng 7 tháng qua vẫn ở mức tương đối thấp, lượng cung tiền và tín dụng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2010. Vì thế, dư địa tín dụng cho những tháng cuối năm còn nhiều. Do đó, nếu không cắt giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, thì ngân hàng khó có thể khơi thông được vốn.

Tuy nhiên, theo tôi, cần tiếp tục tập trung vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh và thắt chặt thêm tín dụng phi sản xuất, trong đó tín dụng bất động sản phải được kiểm soát chặt. Bởi chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong 7 tháng đầu năm là muốn chuyển vốn vào khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thực tế, vẫn chưa dẫn được vốn vào khu vực này.

Theo tôi, việc giảm lãi suất để khơi thông tín dụng là cần thiết, nhưng cần được kiểm soát và có độ mở dần, chứ không nên ồ ạt.

Nguồn tin: Baodautu

ĐỌC THÊM