Lãi suất sẽ giảm đôi chút nhưng không đáng kể và chắc chắn vẫn ở mức cao trong thời gian tới, là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế.
Tại hội thảo Đầu tư 2011-2012. Cơ hội cho ai? hôm qua, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng cung tiền là hơn 3%, tương đương 78.000 tỷ đồng, nhưng một nửa trong số này đã đi vào trái phiếu Chính phủ vì phần lớn người mua là các ngân hàng. Đấy là lý do khiến đồng trở nên khan hiếm dù van tín dụng vẫn khống chế.
Theo ông lãi suất liên ngân hàng giảm từ 22% xuống 12% và đang ổn định. Lãi suất trái phiếu Chính phủ từ 14% xuống 12%. Hai loại lãi suất này nếu ổn định trong 3 tháng thì lãi suất huy động và cho vay với dân cư cũng sẽ giảm.
Lãi suất chưa thể giảm sâu. Ảnh: Lệ Chi
Và thực tế hiện nay, ông Nghĩa cho rằng, lãi suất cũng đang có dấu hiệu giảm nhẹ. Nhưng theo ông, đó là do cung cầu thị trường, chứ không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng tiền tệ và lơ là mục tiếu chống lạm phát.
"Lãi suất quá cao, doanh nghiệp không hấp thụ nổi thì buộc ngân hàng phải giảm", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mức giảm hiện nay còn rất nhỏ giọt, vì lạm phát kỳ vọng còn cao (tính theo năm 20-21%), các nhà băng nhìn nhau không dám giảm mạnh lãi suất, sợ mất khách và sợ thanh khoản yếu. Hơn nữa, nhìn chung, thanh khoản ổn định của ngân hàng chưa thật sự vững chắc.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thị trường mở (OMO) từ 15% xuống 14% không liên quan gì đến lãi suất thị trường. Ngoài ra, theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng các công cụ tiền tệ để tác động đến thị trường liên ngân hàng nhằm điều hành chính sách chứ không nên can thiệp vào lãi suất của thị trường (đặt trần, sàn lãi suất huy động....).
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung Ương nhận định, những lập luận cho rằng lãi suất giảm, chi phí đầu vào giảm thì lạm phát giảm là chưa thuyết phục. Theo ông, nếu dùng chính sách tiền tệ thắt chặt, dùng lãi suất cao để chống lạm phát cao thì cần kiên trì. Bởi những năm gần đây, cứ “thắt” nửa đầu năm, “nới” nửa cuối năm thì y như rằng lạm phát đầu năm tới nó lại quay lại gõ cửa, và cứ luẩn quẩn…
Chính vì vậy, ông Thành cho rằng, thời gian tới, lãi suất chưa thể giảm ngay và vẫn ở mức cao nếu Chính phủ kiên trì mục tiêu chống lạm phát.
Bản thân người hoạt động ngân hàng cũng cho rằng, họ chưa có một cơ sở chắc chắn nào để tính chuyện giảm lãi suất. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, khi lạm phát cả năm nay dự kiến trên 17% thì áp lực lên lãi suất tiết kiệm chưa thể giảm. Ông cho rằng, lãi suất chắc chắn sẽ còn cao vì Việt Nam đang phải chống lạm phát.
Ông Vinh cho biết thêm, hiện ngân hàng cũng đang gặp khó khăn. Bởi nếu duy trì lãi suất cao thì doanh nghiệp không hấp thụ nổi. Nhưng nếu giảm lãi suất đầu vào để kéo đầu ra giảm xuống thì cũng khiến ngân hàng gặp rủi ro về thanh khoản vì nguồn vốn huy động sẽ sụt giảm ngay.
Nguồn tin: Vnexpress