Một khi chính sách tiền tệ được thắt chặt thì tất yếu lãi suất sẽ tiếp tục được đẩy lên cao. Điều đó càng trở nên hiện thực khi, lãi suất đang là công cụ chủ yếu và yêu thích trong điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Những dấu hiệu hy vọng về giảm lãi suất huy động dường như khó thành hiện thực khi các yếu tố cơ bản và biểu hiện thực tế cho thấy, lãi suất chưa thể tính chuyện giảm Thực tế, đối với nhiều ngân hàng, giảm lãi suất không phải là chuyện để bàn trong thời gian trước mắt. Gặp khó với lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 ước tăng 1,17%, cao hơn tốc độ 1,09% của tháng trước và nâng mức tăng chung của 7 tháng đầu năm lên trên 14,6%. Như vậy, sau hai tháng có dấu hiệu giảm tốc độ gia tăng, chỉ số biểu hiện cho lạm phát hiện này đã tăng trở lại. Trong khi đó, sau cú lội ngược dòng của lạm phát trong tháng 7, nhiều yếu tố bất lợi cho bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát xuất hiện ngày càng nhiều, chu kỳ tăng giá cuối năm khiến cho nhiều dự báo đều đặt vấn đề lạm phát có thể tăng trong những tháng tiếp theo. Lo ngại trước tình hình này, các chuyên gia từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cảnh báo, những dấu hiệu giảm lạm phát thời gian qua và giai đoạn tới là không rõ ràng. Vì thế, lạm phát có thể bùng phát trở lại. Thậm chí, Ủy ban này còn lo ngại, nếu lãi suất có xu hướng giảm, cộng với nhu cầu vốn cao ở những tháng cuối năm, trong khi đầu tư công có thể chưa thể cắt giảm nhiều như kỳ vọng sẽ gây nhiều khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát. Thực tế, lường trước được khả năng lạm phát tăng cao, mới đây Chính phủ đã đề xuất nới lạm phát lên mức 17%. Trong báo cáo với Quốc hội, Chính phủ đã nhấn mạnh, lạm phát vẫn tiếp tục là một khó khăn lớn của nền kinh tế. Chính vì thế, tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ không đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ, tiếp tục kiểm soát đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát. Lo ngại trước thực tế lạm phát tăng cao, Ủy ban Kinh tế cũng đã cho rằng, cần nhất quán, kiên trì thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, thậm chí có thể tiếp tục cho cả năm 2012, cho đến khi lạm phát thực sự ổn định. Thậm chí, cần thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất tiết kiệm VND hiện khó giảm khi CPI còn ở mức cao và các mức lãi suất chủ chốt chưa được điều chỉnh giảm bởi NHNN. Trong khi đó, tham khảo ý kiến nhiều ngân hàng đều cho rằng, họ chưa có một cơ sở chắc chắn nào để tính chuyện giảm lãi suất. Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Vietcombank, nhận định, khi lạm phát cả năm nay dự kiến trên con số 15% thì áp lực lên lãi suất tiết kiệm chưa thể giảm. Đi cùng với nhận định trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một khi chính sách tiền tệ được thắt chặt thì tất yếu lãi suất sẽ tiếp tục được đẩy lên cao. Điều đó càng trở nên hiện thực khi, lãi suất đang là công cụ chủ yếu và yêu thích trong điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Một điều đã nhiều lần được các chuyên gia và cả cơ quan quản lý nhắc tới là lãi suất thực dương. Nếu theo phương châm đó, thì lãi suất có thể lên đến 17% như dự kiến thì lãi suất thực sự đã hết cửa để giảm. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết, trong hơn 3 tuần qua, khí có nhiều dấu hiệu về giảm lãi suất họ đã phải rất vất vả đối phó với những diễn biến khá phức tạp gây khó khăn cho huy động vốn. Thậm chí, ở một số kỳ hạn có điều chỉnh giảm đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể và điều đó khiến cho nhiều ngân hàng không thể đặt vấn đề giảm lãi suất. Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần còn cho biết, người dân đang quan với lãi suất cao nên việc điều chỉnh sẽ rất khó trong hoàn cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh nhau về nguồn vốn. Giả sử nếu lạm phát có giảm tốc như hai tháng vừa qua cũng khó nõi chuyện giảm lãi suất ngay và rộng, huống chi bây giờ lạm phát lại tăng lên. Người dân lại càng kỳ vọng vào tăng lãi suất, giảm lãi suất là tự siết cổ mình. Không ngân hàng nào dại đề khởi xướng việc này. Chưa giảm đã tăng Tuần trước, một ngân hàng đứng đầu khối cổ phần đã giảm lãi suất huy động đến 1,5%. Cụ thể, mức lãi suất cho các món gửi trên 500 triệu chỉ còn lãi suất 17,5% so với mức cao nhất 19% trước đó. Tuy nhiên, đầu tuần này, lãi suất này đã phải nâng lên trở lại mức 18%. Thậm chí, phản ảnh từ các chi nhanh về việc gặp nhiều phản ứng không thuận lợi từ phía khách hàng đã khiến cho lãnh đạo ngân hàng này tính lại chính sách lãi suất. Trong khi đó, sau môt thời gian ngắn tình bằng tuần, các ngân hàng tạm bỏ qua mức lãi suất 19 - 20% thì đến nay, tại một số ngân hàng nhỏ, mức lãi suất này đã bắt đầu được áp dụng trở lại ở kỳ hạn một tháng cho những mức tiền gửi khá cao. Nói về điều này, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị cho biết, cuối tháng trước, khi một số ngân hàng có dấu hiệu điều chỉnh lãi suất thì ngân hàng này nhận giữ nguyên và nhận gửi các món tiền trên 500 triệu với lãi suất 19% kéo dài đến 3 tháng. Ông này cho biết, thời điểm đó, chính sách như thế được cho là khá phiêu lưu nhưng vì ngân hàng nhỏ, sức thu hút yếu nên buộc phải chấp nhận nhưng đến nay thì điều đó lại trở nên đúng đắn. Trong khi đó, rất nhiều biểu hiện cho thấy khả năng giảm lãi suất đang tiếp tục bị đẩy ra xa. Mới đây, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn 6 tháng đã được đẩy lên lên 16,5%/năm Trong khi đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng ở mức 14,5%/năm. Ở mức này cho thấy, nhu cầu vốn vẫn còn cao trong dài hạn và việc thiếu vốn và tìm kiếm vốn trên thị trường này của nhiều ngân hàng vẫn còn lớn. Điều đó sẽ tác động làm cho lãi suất huy động từ dân cư phải tăng lên Trong dự báo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) cho rằng, tình tuần giữa tháng 7, lãi suất trung bình liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 12% - 12,5%/năm lên 13% - 13,5%/năm. Biến động trên có thể là do Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp cả khối lượng chào thầu và số phiên đấu thầu trên thị trường mở từ 2 về chỉ còn 1 phiên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 9.000 tỷ đồng qua kênh này từ 11-15/7. Vì thế, dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian ngắn trước mắt. Điều này phần nào cho thấy sức ép trong huy động tiết kiệm VND của các nhà băng đang tăng lên và cạnh tranh thu hút vốn ở thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế) gặp khó khăn, nên nhu cầu vốn liên ngân hàng để bù đắp tạm thời về thanh khoản đã đẩy lãi suất trên liên ngân hàng tăng cao. Chính vì thế, trong thời gian tới, khả năng giảm lãi suất sẽ còn rất khó. Thậm chí, theo các ngân hàng, nhu cầu vốn đang tăng lên vào cuối năm. Đó không chỉ các DN phải mở rộng đầu tư kinh doanh để hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm cần vốn, mà chính các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những sức ép về hiệu quả kinh doanh nên sẽ tìm cách mở rộng tín dụng trong các phạm vi cho phép. Điều đó khiến cho lãi suất sẽ khó giảm hơn.
Lãi suất tăng cao, sản xuất càng khó khăn (ảnh agribank)
Nguồn tin: (VEF.VN)