Theo các ngân hàng, lãi suất huy động giảm có nguyên nhân từ vốn huy động đang dư thừa
Nhiều ngân hàng điều chỉnh
Đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng: “Thực tế trong vài tháng qua Chính phủ đã bàn bạc về khả năng cắt giảm lãi suất và nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho việc lãi suất giảm 1%”.
Mới đây (20-3), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) đã có quyết định giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn từ 1 - 3 tháng, lãi suất huy động giảm từ mức kịch trần 8%năm xuống còn 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm). Ở kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm (giảm 1%).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã có sự điều chỉnh đối với lãi suất huy động. Theo SCB, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 11 tháng giảm xuống mức 7,92%/năm. Kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng có lãi suất cao nhất là 11,3%/năm, các kỳ hạn còn lại ngân hàng áp mức 11%. Tại ACB, kể từ ngày 14-3, lãi suất tiền gửi giảm 0,2% đối với các kỳ hạn 1 đến 6 tháng, niêm yết ở mức 7,8%/năm đối với hình thức lãi cuối kỳ và 7,7%/năm với hình thức lãi tháng. Riêng kỳ hạn 9 tháng hình thức lãi tháng lãi suất là 7,6%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng được áp mức lãi suất từ 10% - 10,8%/năm.
Bà Đặng Thị Thúy – một khách hàng gửi tiền (ở phố Tây Sơn) cho biết: “Ngày 18-3, tôi đi đáo hạn tiền gửi ở ngân hàng thì nhân viên ở đây cho biết có thể sắp tới sẽ điều chỉnh giảm lãi suất. Vì vậy tôi đã quyết định gửi lại luôn với kỳ hạn 1 năm, nếu lãi suất có điều chỉnh giảm nữa thì phương án gửi ngân hàng vẫn là sự lựa chọn hợp lý”.
Áp lực do khó đẩy mạnh cho vay
Bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng là tín hiệu báo trước đợt điều chỉnh từ phía NHNN thì một số ngân hàng lại khẳng định nguyên nhân chính là do nguồn vốn dư thừa và khó đẩy mạnh cho vay.
Bà Vương Kim Oanh - Giám đốc điều hành VIB Hà Nội cho biết: “Hiện, các ngân hàng đang thừa vốn, huy động vào nhiều nhưng cho vay ra được rất ít. Thời điểm sau Tết, nhu cầu đầu tư của người dân và doanh nghiệp không nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều bấp bênh nên không ai mặn mà với việc vay vốn. Đó là lý do khiến ngân hàng phải hạ lãi suất đầu vào, vì càng huy động vào, ngân hàng càng lỗ”.
Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, năm nay, “vùng mục tiêu lạm phát” được xác định trong khoảng 6% - 8%, với mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện nay 8% và tham chiếu yếu tố lạm phát trong 2 tháng đầu năm, rõ ràng khả năng để giảm lãi suất tiền gửi nhằm làm cơ sở giảm lãi suất tiền vay là không còn nhiều.
“Nếu có, lãi suất huy động chỉ có thể giảm thêm 1%, tương ứng mỗi quý giảm 0,25%. Vì vậy, mong muốn giảm lãi suất tiền vay trong 2013 chỉ có thể trông chờ vào các tổ chức tín dụng. NHNN đã tạo ra sự dồi dào thanh khoản và lãi suất “dễ chịu” trên hệ thống. Với những nỗ lực này, NHNN kêu gọi toàn ngành nêu cao quyết tâm chính trị, phấn đấu đưa lãi suất tiền gửi về dưới 8%/năm và tiền vay trong khoảng 13%/năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Nguồn tin: ANTĐ