Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất giảm, lo lạm phát tăng

Lãi suất có thể giảm nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền, cải thiện thanh khoản, song khi đó lạm phát có thể tăng. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ mời tham vấn cuối tuần qua.

 

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay giảm về 17-19% là hợp lý. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay giảm về 17-19% là 
hợp lý. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

 

Ưu tiên số 1: Kiềm chế lạm phát

PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho Tiền Phong hay, 2 điểm nhấn mà tất cả các nhà khoa học, chuyên gia tham dự đều nhất trí đó là trong điều hành của Chính phủ cần quan tâm đến dài hạn để lạm phát không quay lại.

“Cần tái cơ cấu đầu tư công ngay, chi tiêu ngân sách vừa qua vẫn ở mức cao, chưa thực sự tiết kiệm triệt để, cho nên thời gian tới, nhất thiết phải rà soát, cắt giảm mạnh tay hơn”- ông Thiên nói.

Trước thông điệp lãi suất cho vay sẽ giảm còn 17-19%/năm NHNN vừa phát đi, TS Trần Đình Thiên tỏ ý e ngại: “Tình hình hiện đúng là căng với doanh nghiệp, một số đang kêu ca và họ kêu là đúng nhưng làm thế nào để cứu lại là chuyên khác.

Chính sách tiền tệ thắt chặt đang đi đúng hướng, nó cần độ trễ để phát huy tốt nhất. Lạm phát chưa hạ mà NHNN đã có thông điệp hạ lãi suất để cho doanh nghiệp hy vọng. Tôi sợ nhất bây giờ mà đưa tiền ra là lạm phát quay trở lại ngay”- ông Thiên khẳng định.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân thì đề xuất 3 điểm: Đó là cắt cơn sốt lạm phát, giải quyết dư nợ bất động sản và giải pháp cho nền kinh tế. Theo ông, việc lạm phát tăng mạnh vừa qua đã cho thấy nguyên nhân chính từ giá đầu vào và lưu thông. Việc cần làm là Bộ Tài chính và Công Thương phải thanh tra, kiểm soát chặt tình hình lũng đoạn trong các khâu từ giá thành đến lưu thông.

Việc giá lương thực, thực phẩm chiếm quyền số chính trong chỉ số giá tiêu dùng cao, cần xem xét gốc vấn đề. Nếu do thiếu cung, cần đẩy mạnh vốn cho đối tượng nông dân, doanh nghiệp này.

Về chính sách tiền tệ, theo ông Ngân, NHNN cần can thiệp nhưng rất thận trọng. “Về lâu dài, phải xem xét lại tiêu chí lãi suất thực dương. Ở đây, cần lấy mốc chỉ số giá tiêu dùng Chính phủ đề ra đầu năm làm nền cho lãi suất. Ví như mục tiêu CPI 9% thì lãi suất 12%/năm là thực dương rồi. Tình hình kinh tế thế giới bất ổn như vậy, chúng ta cần kiên trì quan điểm điều hành phù hợp với điều kiện đất nước”- ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, trước việc người dân rút tiết kiệm ra mua vàng hiện nay, bên cạnh điều hành lãi suất, NHNN nên coi vàng là công cụ bơm tiền ra. “Cho NHTM huy động vàng rồi vàng đó thế chấp NHNN giữ, như vậy sẽ làm tăng dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 6 tỷ USD, NHNN đủ sức can thiệp để không lo ngại gì về tỷ giá từ nay đến cuối năm”- ông Ngân khẳng định.

Giảm lãi suất, có khả thi?

Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây phát biểu về khả năng giảm lãi suất cho vay về 17% - 19%/ năm trong tháng 9 tới. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là các NHTM và khối doanh nghiệp.

Hiện lãi suất cho vay tại các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank khoảng 21 - 24%/năm; của các công ty tài chính là 20-22%/năm. Lãi suất liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm tuần qua đã giảm còn khoảng 10%/năm, giảm 2%/năm so với tuần trước đó, trong khi các kỳ hạn 1 - 2 tuần cũng giảm nhẹ, hiện ở mức 11 - 14%/năm.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một NHTM quốc doanh lớn cho hay: nếu lãi suất cho vay doanh nghiệp về 17-19%/năm thời điểm này là rất hợp lý. “Khả năng lãi suất sẽ giảm thông qua dấu hiệu thanh khoản trên thị trường đang cải thiện. Tuần qua NHNN đã bơm ít vốn hơn cho kênh thị trường mở...”- ông này nói.

Từ góc độ NHTM, theo ông, bản thân các ngân hàng đang cần hỗ trợ từ chính sách tiền tệ những điểm lớn sau: hỗ trợ thanh khoản, ổn định tỷ giá, lãi suất, cơ chế kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng.

Về khả năng ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 17-19%/năm vào tháng 9, theo ông Trần Hoàng Ngân, có thể thực hiện được nhưng NHNN phải tăng cung tiền (dự kiến năm nay tăng trưởng tín dụng là 20%, hiện mới được 4%). Làm như vậy có e ngại tăng cung tiền sẽ tăng áp lực lên lạm phát?

Ông Ngân phân tích: “Quan trọng phải bơm cho sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được bơm cho bất động sản vì hiện dư nợ trong lĩnh vực này đã lên quá cao, ở mức 250 ngàn tỷ đồng”. Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên lại lưu ý, sẽ rất khó trong việc kiểm soát và sẽ xảy ra hiện tượng “chạy” cho vào diện được vay.

Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn của một NHTM cổ phần lớn, chia sẻ: “Hiện tại thanh khoản trên thị trường đã tốt lên thậm chí khối cổ phần còn tốt hơn khối NHTM Nhà nước, vì không bị “dính” rút vốn của các tổ chức, doanh nghiệp (các NH này đã trót cho vay tỷ lệ cao trên thị trường liên ngân hàng). Chúng tôi cũng đang tính chuyện giảm nhẹ lãi suất cho vay. Tuy nhiên thời gian tới khó giảm nhiều”.

Chính sách tiền tệ sắp có nhiều thay đổi ?

Thông điệp trong phần chia sẻ của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình có 5 điểm nhấn.

Thứ nhất, nhiều khả năng NHNN sẽ sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc với các NHTM để hút tiền về trước áp lực lạm phát cuối năm.

Thứ hai, sẽ thay đổi Thông tư số 13 và một số điểm sửa đổi sau đó bằng Thông tư số 19 theo hướng quy định lại về tỷ lệ cấp tín dụng từ vốn huy động (hiện ở mức 80%/- 85%).

Thứ ba, xem xét lại cơ chế hoạt động của thị trường liên ngân hàng, sự luân chuyển của dòng vốn trong mối liên hệ với thị trường 1 (huy động từ dân cư, tổ chức, doanh nghiệp), trong tầm kiểm soát và định hướng hợp lý hơn.

Thứ tư, tiến tới thời điểm thích hợp “gỡ” dần cơ chế trần lãi suất huy động VND theo hướng hạn chế những can thiệp hành chính, trả lại cho thị trường điều tiết, thay bằng các công cụ điều hành gián tiếp, thay đổi quan điểm lãi suất thực dương.

Thứ năm, giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% sẽ tính toán lại cho từng đối tượng NHTM thay vì cào bằng cho tất cả các ngân hàng.

Theo một nguồn tin, một vài ngày tới, NHNN sẽ có Hội nghị bàn tròn với lãnh đạo một số ngân hàng lớn để bàn, chuẩn bị cho việc thực thi một số quyết sách.

 

 

 

Nguồn tin: TP

ĐỌC THÊM