Hiện tại, các ngân hàng tại Hải Phòng đã thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ đầu tháng 9/2011. Cùng DN vượt khó Đi đầu trong việc thực hiện hạ lãi suất cho vay là các ngân hàng thương mại Nhà nước với mức lãi suất giảm 1,5% - 2,5%/năm. Agribank Hải Phòng áp dụng lãi suất từ 17%/năm - 19%/năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả các khách hàng tối thiểu là 20,5%/năm. Ngoài ra, đối với các khoản vay phi sản xuất, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 20,5%/ năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tại BIDV Hải Phòng chỉ còn 18%/năm, cho vay dài hạn còn 19%/năm. Vietcombank Hải Phòng cho vay với lãi suất dưới 20%, đối với những khách hàng được ưu đãi đặc biệt thì mức lãi suất khoảng 17,5%. Nhìn chung, các ngân hàng đều giảm lãi suất theo các chương trình, hướng tới các đối tượng cụ thể, số vốn không lớn và chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn. Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng có khá nhiều DN trong tình trạng phá sản vì lãi suất quá cao. Phần lớn DN đang phải đối mặt với lượng hàng tồn kho gấp 2,3 lần năm 2010, sản phẩm bán ra không có lãi, thậm chí lỗ. Vì vậy, hạ lãi suất trong thời điểm này sẽ là giải pháp để DN vượt khó. Tuy nhiên, các DN cũng còn khá dè dặt. Theo đánh giá của nhiều DN, việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng ở thời điểm trước đã khó, nay lại càng khó hơn. Giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết: DN sẽ rất khó để vay được tiền của ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Giám đốc một DN đóng tàu cho biết, DN chúng tôi rất hi vọng vào diễn biến mới về hạ lãi suất ngân hàng lần này. Nhưng với những khó khăn của ngành đóng tàu thì việc hạ lãi suất ở mức này cũng chưa khả quan lắm. Trong tình hình đầu ra đang bị co lại, việc bổ sung nguồn vốn mới chưa thể giúp thị trường hồi phục. Do đó, dù lãi suất có giảm nhưng nền kinh tế chưa ổn thì DN... khó vẫn hoàn khó! Không chỉ dựa vào vốn ngân hàng Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, việc đáp ứng được những điều kiện để vay vốn sẽ không hề dễ dàng đối với DN. Về vấn đề này, ông Phạm Qúy Giang – Phó giám đốc Agribank Hải Phòng đồng ý là việc đưa lãi suất về mức 17-19%/năm sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, DN không nên quá trông chờ vào đồng vốn của ngân hàng, vì khi lãi suất hạ thì chắc chắn kiểm soát vay sẽ chặt chẽ hơn. Hơn nữa, ở thời điểm trước khi thực hiện mức trần lãi suất 14%/năm, các ngân hàng đã huy động với mức lãi suất cao từ 19 - 22%/năm. Vì thế, tính bình quân thì lãi suất cho vay là 17-19%/năm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn phải cho vay ở mức cao hơn. Quá trình hạ lãi suất cần có lộ trình, sẽ phải mất 6 tháng hoặc hơn nữa thì lãi suất mới có thể xuống thấp hơn, nếu vẫn giữ nguyên mức trần 14%/năm. Ông Đào Xuân Bình- Chủ tịch Hiệp hội DN quận Lê Chân, Hải Phòng cho rằng: ngân hàng hạ dần lãi suất cho vay là điều đáng mừng. Song, lãi suất hạ chưa chắc DN sẽ tốt hơn. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, trong giai đoạn này, điều quan trọng là các DN cần tiết giảm chi phí, củng cố lại hoạt động, có chiến lược trong việc cơ cấu vốn để tồn tại và phát triển trong giai đoạn tới. Trên thực tế, phần lớn vốn của các DN hiện đang là vốn vay của các tổ chức tín dụng, còn vốn tự có của DN chỉ vào khoảng 15-20%. Mặt khác, các DN sử dụng vốn không hiệu quả. Có đến 60% vốn để đầu tư cho các ngành không thuộc lĩnh vực của mình và dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn, đầu tư dàn trải.
Nguồn tin: DDDN