Phấn đấu giảm lãi suất xuống 17 – 19% ngay trong tháng 9 tới là mong muốn của nền kinh tế và các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, lãi suất là giá của vốn. Vì vậy, phải giải quyết được vấn đề cung – cầu mới xử lý được gốc của vấn đề.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn coi trọng tâm của hoạt động là huy động vốn chứ không phải cho vay. Ảnh: TL SGTT
Lãi suất tiền đồng hiện quá cao là do một số nguyên nhân sau: quản trị điều hành yếu kém ở nhiều ngân hàng thương mại dẫn đến tiềm ẩn rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản nên luôn cần vốn; các phân khúc trên thị trường tiền tệ (thị trường mở, thị trường liên ngân hàng) vận hành chưa hợp lý, khiến các luồng vốn không được khai thông tốt; từ sự thắt chặt chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và sụt giảm thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán (tiền mặt trong lưu thông + tiền của các ngân hàng thương mại gửi tại NHNN + tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn) đến 20.7.2011 ước tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cuối năm 2010 (mức tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2010 là 25,3%). Chú ý là một phần trong số cung tiền lại được các ngân hàng thương mại dùng để mua trái phiếu chính phủ. Như vậy, việc chính sách tiền tệ thắt chặt có phần quá mức (cung vốn ít) cũng là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao. Hạ lãi suất cho vay là mong muốn của nền kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, nhưng với các nguyên nhân trên, việc hạ nhanh lãi suất trong một thời gian ngắn là rất khó. Các thành viên thị trường đang chờ xem NHNN sẽ xử lý vấn đề này thế nào trong thời gian tới.
Áp dụng trần lãi suất cho vay?
Về mặt hình thức, đây là con đường ngắn nhất để “ấn” trần lãi suất cho vay xuống, nhưng đây là biện pháp phi thị trường, không giải quyết được gốc của vấn đề. Hệ luỵ của giải pháp này sẽ là: nguồn vốn không được phân bổ hợp lý, đánh đồng các dự án/khách hàng tốt với dự án/khách hàng xấu rủi ro cao đòi hỏi chi phí cho vay phải cao hơn để bù đắp rủi ro; thị trường tiền tệ không minh bạch, các ngân hàng thương mại vẫn có thể lách luật để cho vay cao hơn, đồng thời xã hội sẽ mất rất nhiều chi phí (chi phí thanh tra, giám sát của NHNN, chi phí mà các ngân hàng thương mại che giấu lãi suất)... Đó là chưa kể quyết định trần lãi suất sẽ làm chậm hơn hành trình tự do hoá lãi suất của Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều tiết theo lãi suất của NHNN?
NHNN có chủ trương sẽ tiếp tục đổi mới điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường với việc ngày càng sử dụng các công cụ gián tiếp mà vai trò chủ đạo là nghiệp vụ thị trường mở, chuyển dần từ cơ chế điều tiết khối lượng tiền sang điều tiết theo lãi suất. Nhiều khả năng thời gian tới, NHNN sẽ dùng công cụ lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu/tái chiết khấu trong nghiệp vụ thị trường mở (NHNN mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn với các tổ chức tín dụng) để qua những mức lãi suất này, cũng như số lượng tiền mà NHNN bỏ ra/thu về khi mua/bán giấy tờ có giá để tác động làm tăng/giảm lãi suất thị trường theo mục tiêu mà NHNN mong muốn. Ví dụ, để hạ lãi suất thị trường, NHNN có thể mua nhiều giấy tờ có giá hơn (bơm tiền ra lưu thông nhiều hơn) với mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn lãi suất thị trường, qua đó làm giá vốn (lãi suất) giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chỉ riêng sử dụng công cụ lãi suất tái chiết khấu chưa chắc đã hạ được lãi suất thị trường. Chính sách tài chính thắt chặt, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh khiến phần lớn nhu cầu vốn của nền kinh tế đang dồn lên vai hệ thống ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, vốn ngân hàng đưa ra đến đâu, nền kinh tế có thể hấp thụ ngay hết đến đó.
Đã có tín hiệu là thời gian tới NHNN sẽ nới lỏng hơn sự thắt chặt tiền tệ, nhưng độ nới lỏng này không có nghĩa là cho phép tăng tín dụng trên 20%. Để kiềm chế lạm phát, cung tiền không thể được đưa ra nhiều. Cầu vốn lớn như vậy lãi suất rất khó hạ trong thời gian ngắn. Hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn coi trọng tâm của hoạt động là huy động vốn chứ không phải cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động VND đã giảm nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức khá cao 16 – 18%/năm. Một số ngân hàng đã gần hết room tín dụng, nhưng một số ngân hàng lớn còn room cũng không mặn mà cho vay ra nền kinh tế, họ muốn bán vốn trên thị trường liên ngân hàng hoặc cho NHNN (nếu có cơ chế) để đỡ rủi ro hơn. Vì vậy, có thể một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp ở các lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn, nhưng với khách hàng nói chung thì viễn cảnh được hưởng mức lãi suất 17 – 19% ngay trong tháng 9 là khó thành hiện thực.
Nguồn tin: SGTT