Sau một thời gian “kìm nén”, một số ngân hàng thương mại lại thỏa thuận lãi suất huy động với khách hàng lên mức 18,5 - 19%. Theo các chuyên gia, chuyện không mới này sẽ tự khắc hết khi biện pháp chống lạm phát được thực hiện tốt.
Hiện tượng, lãi suất vượt trần 14% một năm không là cá biệt mà diễn ra ở rất nhiều ngân hàng thương mại vào những ngày trước lễ. Ngày 29/4, khá nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tại TP HCM đã âm thầm đưa lãi suất huy động lên trên mức trần.
Tiền càng nhiều, lãi càng cao
Bà Nguyễn Thị M., một khách hàng gửi tiền tại ngân hàng thương mại A., cho biết, bà gửi tiết kiệm 300 triệu đồng và được hưởng lãi suất 16,85% một năm. “Tuy nhiên, trong sổ của tôi vẫn chỉ ở mức 14% và 2,85% còn lại, tôi được nhận tiền trước thông qua một tài khoản khác”. Theo lời kể của bà Mai, để được lãi suất trên mức 14% một năm, ngoài yêu cầu về số tiền gửi (300 triệu đồng trở lên), còn phải yêu cầu là “khách hàng giới thiệu khách hàng” hoặc khách hàng thân thiết đã từng có giao dịch với ngân hàng nói trên và thời hạn gửi phải là một tháng. Tại ngân hàng này, lãi suất huy động sẽ tăng lên tùy vào số tiền mà khách hàng gửi. Với số tiền từ 300 triệu đồng đến một tỷ, khách hàng sẽ hưởng mức lãi suất 16,85% và tăng lên đến 19% một năm nếu số tiền khách hàng gửi trên 3 tỷ đồng.
Mức trần lãi suất huy động 14% được cho là "lạc hậu" so với trượt giá khiến nhiều ngân hàng tìm cách lách để nâng lãi suất. Ảnh: TNLinh.
Tại ngân hàng T., mức lãi suất 300 triệu đồng, kỳ hạn một tháng được “chào” giá 17% nhưng lãi suất với số tiền 3 tỷ đồng thì mức lãi suất cao nhất cũng chỉ 18,5% một năm. Hầu hết các ngân hàng thời điểm này chỉ “thưởng” lãi suất cao trên 14% với những khách hàng gửi kỳ hạn dài (trên một tháng). Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng giải thích: “Hiện nay, khách hàng gửi ngắn hạn quá nhiều và chúng tôi nâng lãi suất lên cũng nhằm kéo khách hàng dài hạn về với ngân hàng”.
Mức nào là phù hợp?
Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất 14% hiện nay chưa phản ánh đúng tình hình giá cả, lạm phát của thị trường, nên việc lãi suất huy động lên mức 17, 18% cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, việc lãi suất huy động ở một số ngân hàng thương mại được đưa lên cao như hiện nay, còn do chất lượng của một số ngân hàng thương mại có vấn đề. “Hiện nay, tín dụng đầu ra chỉ được phép 20%, nếu vay cao mà không phải để cho vay thì để làm gì ngoài việc đáp ứng thanh khoản của ngân hàng trong thời điểm hiện tại?”, ông Lê Thẩm Dương đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Dương, việc lãi suất dâng cao như hiện tại đến từ hai lý do: thanh khoản của các ngân hàng yếu và lạm phát tăng. “Đối với các ngân hàng nhỏ thì đó là chuyện thanh khoản yếu. Nhiều ngân hàng thương mại cứ “mượn cớ” của lạm phát để nâng lãi suất lên cao, nhưng thực tế các ngân hàng này nâng lãi suất vì “quá đói”. Vì thế, ông Dương khuyên, khách hàng nên cân nhắc gửi tiền ở những ngân hàng này. Ông Dương cũng dự báo, khi có một chính sách đồng bộ, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh lãi suất huy động (đầu vào) một cách hợp lý. “Đó cũng là một cách để kéo lãi suất về một mức, tránh tình trạng 2, 3 mức lãi suất như hiện nay. Tuy nhiên, dùng công cụ lãi suất để chữa lạm phát hiện nay không còn phát huy tác dụng nữa, chúng ta phải kìm lãi suất bằng cách chống lạm phát với nhiều giải pháp đồng bộ khác”.
Nguồn: Danviet