Trong vài ngày gần đây, lãi suất liên ngân hàng có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt là kỳ hạn một tháng có lúc tăng lên đến 23%, thậm chí có giao dịch còn cao hơn. Các chuyên gia lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ làm bi đát thêm bài toàn thanh khoản của không ít ngân hàng nhỏ.
Lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh
Theo lãnh đạo một ngân hàng nhỏ, lãi suất qua đêm liên ngân hàng kỳ hạn một tuần đã chạm mốc 20%, trong khi đó, với kỳ hạn một tháng, con số này đã lên tới 23%. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục đi lên và chỉ trong một tuần đã tăng khoảng 5 điểm phần trăm.
Diễn biến tăng mạnh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong các ngày cuối tuần qua không nằm ngoài các dự đoán được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh tăng một số lãi suất điều hành. Cụ thể kể từ ngày 10/10, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh tăng từ 14%/năm lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng tăng từ 14%/năm lên 16%/năm.
Một nguyên nhân nữa làm cho lãi suất liên ngân hàng tăng cao, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, là do tình trạng "khát" vốn ở một số ngân hàng thương mại đã bị rủi ro về tín dụng, nợ xấu tăng nhanh và quản trị ngân hàng kém, nhất là rủi ro về cấu trúc kỳ hạn.
Ông Ngân giải thích thêm rằng các ngân hàng này bị rủi ro vì đã không thể dùng chiêu "lách" luật để huy động vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế trần lãi suất huy động cùng với biện pháp xử lý mạnh những ngân hàng vi phạm.Thiếu vốn, họ buộc phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng. Do đó lãi suất cao cũng là một trong những kịch bản mà những nhà nghiên cứu đã nghĩ đến.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một số ngân hàng thương mại cổ phần đều phản ánh vốn huy động bị sụt giảm. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), từ khi có tín hiệu quản chặt lãi suất giảm nguồn vốn huy động từ dân cư của ngân hàng đã sụt khoảng 20% so với trước khi áp dụng trần lãi suất. Trong tháng qua chỉ lác đác có một vài ngày lượng vốn huy động không giảm, tuy nhiên, vấn đề thanh khoản của ngân hàng vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã "bơm" ra thị trường mở (OMO) khoảng 22.000 tỷ đồng, rút về 6.000 tỷ đồng do đáo hạn khoản vay của 2 tuần trước. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã "bơm" ròng 16.000 tỷ đồng chỉ trong một tuần, khá nhiều so với con số 28.000 tỷ đồng của cả tháng Chín.
Tuy vậy, theo các ngân hàng nhỏ, dù lượng tiền "bơm" ra thị trường mở nhiều nhưng vẫn chưa giúp các ngân hàng cải thiện thanh khoản, vì không đáng kể so với lượng tiền bị người dân rút ra khỏi hệ thống. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng hiện nay không có đủ hồ sơ cần thiết để tiếp cận với nguồn vốn này, vì vậy, phải vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao hoặc phải "xé rào" để hút được tiền gửi từ doanh nghiệp và người dân.
Quản trị yếu phải chịu lãi suất phạt
Tại cuộc họp giữa các ngân hàng thương mại phía Bắc với Hiệp hội Ngân hàng, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã kêu lãi suất liên ngân hàng lên quá cao. Vì thế, một ý kiến đề xuất rằng, Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, ý kiến này bị một số ngân hàng phản đối ngay lập tức.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng, ngân hàng nào quản trị thanh khoản lỏng lẻo, sử dụng vốn nhiều hơn huy động thì phải chấp nhận mua vốn với mức giá của thị trường.
Ý kiến của lãnh đạo MB là có cơ sở, nhưng rất có thể, thời gian tới, sẽ chẳng ai ngạc nhiên khi lãi suất thị trường 2 lên tới 25% - 30%, thậm chí 43% như từng xảy ra năm 2008, nhất là đối với những ngân hàng yếu thanh khoản nhưng không muốn xin tái cấp vốn, vì e ngại nhà điều hành kiểm soát vào cân đối sổ sách và tình trạng tài sản.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, những ngân hàng kinh doanh yếu kém, chất lượng tài sản thấp thì phải chấp nhận lãi suất phạt từ thị trường 2 và lãi suất chủ chốt của người mua bán cuối cùng trên thị trường.
Theo một số chuyên gia, thực tế các ngân hàng thương mại hiện nay đang đối phó với trần lãi suất theo kiểu “siết đầu này, xì đầu kia.” Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể chạy theo mãi để bịt kẽ hở của thị trường.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải phân loại “sức khỏe” của các ngân hàng thương mại, đồng thời các ngân hàng thương mại nhỏ phải tự thừa nhận mình “yếu” đến đâu để cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề ra lộ trình "chữa dứt bệnh."
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngân cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và phải có đánh giá và công bố công khai xếp loại hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng thương mại, giúp cho người dân thấy rõ được sự minh bạch trong hoạt động tài chính của hệ thống ngân hàng. Từ đó, người dân có thể tin tưởng gửi tiền vào các ngân hàng thương mại mà không quan tâm đến vấn đề lãi suất vì lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Vấn đề ở đây là tính an toàn của cả hệ thống ngân hàng và người dân.
“Không nên để tình trạng này kéo dài, Ngân hàng Nhà nước cần có thanh tra khoanh vùng và xử lý ngay những ngân hàng này, tránh hiệu ứng lây lan đến ngân hàng khác,” ông Ngân nhấn mạnh.
Nguồn tin: (Vietnam+)