Các ngân hàng đã bắt đầu đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay, chia sẻ phần nào áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đang căng thẳng bởi nguồn vốn và chi phí nguồn vốn. Tuy nhiên, để dòng vốn lưu thông hiệu quả còn không ít vấn đề đặt ra.
Ðồng loạt hạ lãi suất
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) thông báo từ ngày 13-10 giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND 18,2%/năm, một mức giảm sâu tới 1,3%/năm so với mức cũ. Trước Vietinbank, hai ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã giảm lãi suất cho vay và tiến tới giảm tiếp lãi suất huy động nhằm cân đối đầu vào, đầu ra mới.
Ðồng thuận với xu hướng này, hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần cũng bắt đầu giảm lãi suất cho vay, đồng thời hạ dần lãi suất huy động. Ngân hàng Thương mại cổ phần doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) kể từ ngày 13-10 áp dụng lãi suất cho vay thấp nhất là 18%/năm, ấn định linh hoạt tùy theo từng đối tượng khách hàng trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng.
Lý giải về động thái giảm lãi suất, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam Phan Thị Chinh cho biết, những tín hiệu khả quan của kinh tế vĩ mô là một trong những căn cứ quan trọng để ngân hàng quyết định hạ lãi suất như CPI tháng 9 so tháng 8 ở mức 0,18%, dự báo trong cả năm chỉ ở mức 24-25%, nhập siêu cũng đã giảm, FDI đăng ký tháng 9 đạt 57,1 tỷ USD, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định. Ngoài ra, BIDV còn căn cứ những tín hiệu từ thị trường tài chính tiền tệ để điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Ðó là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt có linh hoạt.
Vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại được cải thiện tốt hơn so quý II. Trước diễn biến thị trường phức tạp, việc đầu tư vào bất động sản, chứng khoán có nhiều rủi ro, xu hướng đầu tư vào ngân hàng đang có chiều hướng tăng, đặc biệt từ đầu tháng 9 đến nay. Việc ngân hàng giảm lãi suất huy động sau khi giảm lãi suất cho vay là một bước khá ngược ở một giai đoạn điều chỉnh tất yếu để các ngân hàng cân đối lại nguồn vốn của mình trong giai đoạn vừa qua.
Những vấn đề đặt ra
Hiện nay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã tốt lên rất nhiều so với thời gian trước, đặc biệt là động thái tích cực của NHNN trong việc cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng tín phiếu bắt buộc được vay tái cấp vốn và tham gia thị trường mở.
Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua đã giảm mạnh, phổ biến ở mức thấp hơn lãi suất thị trường mở, khối lượng giao dịch tăng mạnh. Trong khi tốc độ huy động vốn trong tháng 9 đã cao hơn tám tháng đầu năm, cung cầu VND, USD đặc biệt là ở các kỳ hạn dưới ba tháng đã tốt hơn rất nhiều. Với tình hình thị trường đã dần đi vào ổn định, tốc độ tăng lạm phát giảm dần, tâm lý khách hàng gửi tiền có xu hướng gửi ở các kỳ hạn dài.
Do đó, ở các ngân hàng thương mại lớn, việc điều chỉnh lãi suất huy động lần này có những khác biệt cơ bản so các đợt trước.
Một là, điều chỉnh giảm sâu hơn so với các lần điều chỉnh trước, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn dưới ba tháng.
Hai là, điều chỉnh lãi suất hướng dần đến thông lệ lãi suất kỳ hạn dài cao hơn lãi suất kỳ hạn ngắn. Ðây là một xu hướng tích cực, tuy nhiên phản ứng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ cho rằng trước mắt họ vẫn muốn duy trì các khoản vay ngắn ngày để củng cố thêm nguồn vốn huy động. Việc duy trì các thời hạn huy động ngắn và cực ngắn (theo tuần) có tính chất xử lý nhất thời trong điều kiện các ngân hàng căng thẳng về nguồn vốn, còn khi tình trạng này đã được cải thiện, việc điều chỉnh lãi suất theo thông lệ (lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn) là điều cần thiết để ổn định lại cơ cấu nguồn vốn lâu dài cho ngân hàng. Song "mắc mớ" ở những ngân hàng nhỏ vẫn làm méo mó trong việc điều chỉnh khung lãi suất vốn mang tính hệ thống cao như ngân hàng.
Lãi suất cho vay đã được giảm dựa trên việc giảm dần lãi suất huy động, như vậy là người gửi tiền, ngân hàng đang chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Vietinbank Nguyễn Viết Mạnh cho biết, so với các lần giảm trước đây, đợt giảm lãi suất cho vay lần này với biên độ 1,3%/năm, sẽ làm giảm lợi nhuận của Vietinbank trong những tháng còn lại của năm 2008. Tổng Giám đốc VPBank Lê Ðắc Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu vay vốn theo quy luật thường tăng cao vào những tháng cuối năm, các ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn huy động khá dồi dào. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay còn đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp, cá nhân phải tính toán kỹ lưỡng khi quyết định vay vốn. Bản thân các ngân hàng cũng rất khó khăn, vì vậy, để tiến tới giảm lãi suất, Nhà nước phải hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ như tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chẳng hạn.
Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ giúp các cá nhân tiết kiệm chi tiêu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tạo cơ sở để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Song việc sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả còn lệ thuộc rất nhiều vào chính năng lực của doanh nghiệp và khả năng thẩm định dự án của các ngân hàng cũng như việc giám sát quá trình cho vay vốn đúng mục đích, đúng đối tượng.
Nhân Dân