Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất NH: Siết đầu này, xì đầu kia

Tuần qua là một tuần “dậy sóng” của thị trường liên NH khi lãi suất qua đêm trên thị trường này lên đến 20%/năm, kỳ hạn 1 tuần nhảy vọt lên mức 23-24%/năm, quá cao so với lãi suất trên thị trường tiền gửi của dân cư.

Nhiều NHTM lo ngại với diễn biến trên nhiều khả năng thị trường tài chính khó bình yên trong quý cuối năm.

Giá cao vẫn khó vay

Dòng vốn huy động có sự dịch chuyển từ NHTM nhỏ sang NHTM lớn khi quy định trần lãi suất “siết” mạnh tay nay đã hiển hiện. Bên cạnh đó NHNN đang thực hiện hút tiền đồng qua thị trường mở (OMO) đã đẩy các NHTM nhỏ vào thế khó trong giải quyết vấn đề thanh khoản.

Do vậy những ngày cuối tuần qua không ít NHTM nhỏ chật vật chạy vốn trên thị trường liên NH, trong đó nhiều NHTM cho biết họ chấp nhận vay lãi suất cao nhưng vẫn khó kiếm nguồn vay.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiadinhBank, cho biết đã có một số NH đến kỳ hạn không xoay tiền được để trả kịp nên “khất nợ” trên thị trường liên NH - điều hiếm khi xảy ra từ trước đến nay. Do vậy, các NHTM lớn bắt đầu ngại khi cho NHTM nhỏ vay kỳ hạn dài, chỉ cho vay qua đêm với lãi suất “khủng” 19-20%/năm. Trong khi đó, các NHTM nhỏ không có vốn để cho vay lẫn nhau khiến lãi suất thị trường này càng tăng cao.

Lãi suất trên thị trường liên NH càng nóng hơn khi các NHTM nhỏ ngại vay vốn tại NHNN. Bởi thị trường OMO muốn vay phải có giấy tờ có giá trong khi vay trực tiếp với NHNN, các NHTM nhỏ ngại bị ràng buộc điều kiện kèm theo của NHNN. Một lãnh đạo NHTM nhỏ thừa nhận NHNN vẫn sẵn sàng tái cấp vốn cho NHTM nhỏ nhưng yêu cầu phải cam kết giảm dư nợ.

Trong bối cảnh đang chạy đua lợi nhuận những tháng cuối năm, tất yếu không NHTM nhỏ nào muốn bị chặn cửa tăng tín dụng. Chưa kể, hiện nay nhiều NHTM nhỏ vẫn chưa thể kéo giảm dư nợ phi sản xuất xuống 16%/năm cuối năm nay theo yêu cầu NHNN vì không thể thu hồi nợ trước hạn.

Khi không thể đánh đổi chỉ tiêu lợi nhuận để vay NHNN, nhiều NHTM nhỏ bắt đầu chạy đua huy động vốn vàng trong dân qua việc liên tiếp tăng lãi suất tiết kiệm vàng. NHTM lớn nằm trong nhóm 5+1 được bán vàng và kinh doanh tài khoản thực hiệ n tăng lãi suất để vừa giữ chân khách hàng, vừa có nguồn bán vàng ra.

Trong khi đó, các NHTM nhỏ dù không được phép bán vàng nhưng vẫn huy động để gửi tiền đối ứng tại các NHTM lớn. Đây được xem là hình thức thế chấp lấy uy tín có thể vay vốn kỳ hạn dài trên thị trường liên NH. Thậm chí, lãnh đạo NHTM cho biết có NHTM nhỏ sẵn sàng bán vàng ra lấy tiền đồng để giải quyết thế kẹt thanh khoản, còn chuyện lời lỗ trong mua bán vàng tính sau.

Bong bóng trần lãi suất dễ vỡ

Nhiều ý kiến lo ngại khi có sự chênh lệch quá cao giữa lãi suất trên thị trường liên NH so với lãi suất thị trường tiền gửi kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng các NHTM sẵn sàng vượt rào trên thị trường lãi suất tiền gửi để ít bị chi phối từ thị trường liên NH.

Hình thức lách luật tất yếu cũng sẽ tinh vi hơn. Đặc biệt, khi lãi suất huy động trên thị trường liên NH cao, vốn cũng không bơm ra được. Tại cuộc họp với Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) ở TPHCM, bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, thừa nhận lãi suất cho vay hiện nay cao và doanh nghiệp không vay khiến dư nợ cho vay của các NHTM đang giảm.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho rằng: “Thời gian qua với hiện tượng bề ngoài NH huy động lãi suất 14%/năm nhưng cho vay lên đến 20%/năm khiến nhiều người cho rằng NHTM đang quá lãi. Nhưng thực tế trong NH đang tồn tại 2 giá vốn với những mức tiền gửi ngầm lên đến 20%/năm.

Lãi suất quá cao nếu doanh nghiệp nào vay được ví như “uống thuốc độc”. Và mặc dù chưa “chết” ngay vì thiếu vốn nhưng doanh nghiệp cứ “ngắc ngoải” qua ngày”.

Tại cuộc họp với VNBA, nhiều NHTM kiến nghị nên sớm bỏ trần lãi suất huy động để trả lại lãi suất cho thị trường. Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB, nếu kéo dài biện pháp hành chính sẽ gây phản ứng phụ. Hiện nay, việc thực hiện nghiêm trần lãi suất đã gần như đi vào quy củ, lạm phát đang có xu hướng giảm nếu có lập trần cho vay chỉ nên thực hiện với những đối tượng vay ưu tiên như khu vực sản xuất kinh doanh.

Cũng có ý kiến NHTM nhỏ cho rằng nếu đã áp trần lãi suất huy động nên áp trần lãi suất liên NH để đồng bộ, tránh tình trạng NHTM lớn kiếm lợi lớn “trên lưng” NHTM nhỏ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, việc áp trần lãi suất huy động tiền gửi cả với VNĐ và USD là việc làm “bất đắc dĩ” khi những giải pháp thị trường trong điều hành không phát huy tác dụng.

Sự uốn nắn của giải pháp hành chính sẽ có hiệu quả nhất định và tất yếu khi kéo dài sẽ có tác dụng phụ. Thời điểm hiện tại chưa phù hợp để tháo trần lãi suất, nhưng cũng không thể áp thêm trần mới. Bởi như vậy thị trường lãi suất liên NH sẽ tiếp tục méo mó và càng gia tăng thêm chi phí cho các NHTM. Khi đó, người vay vốn sẽ là người lĩnh chịu hậu quả.

Nguồn tin: Sài gòn đầu tư tài chính

ĐỌC THÊM