Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất có thể tiếp tục giảm, khi lạm phát vẫn đang được kiềm chế và kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất huy động xuống còn 7,5%/năm. Đây là cơ sở để giảm tiếp lãi suất cho vay từ 1-2%, xuống còn 13%/năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh. Phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh về vấn đề này.
PV: Thưa ông, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất cho vay để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Theo ông, liệu ngân hàng có thể thực hiện được và mức điều chỉnh giảm bao nhiêu là phù hợp?
TS Vũ Đình Ánh |
Ông Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng việc giảm lãi suất mà quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay là một yêu cầu chung về phía các cơ quan chức năng cũng như yêu cầu của cả nền kinh tế và của cả xã hội. Tuy nhiên, để giảm lãi suất cho vay xuống phù hợp với yêu cầu cũng như khả năng của các doanh nghiệp không đơn giản.
Trước tiên, phải tìm cách hạ lãi suất huy động xuống, hiện đã giảm xuống 7,5% từ ngày 26/3. Để giảm lãi suất huy động, có nhiều điều kiện, song điều kiện tiên quyết là kiềm chế và kiểm soát được lạm phát.
Quý I, lạm phát tính theo năm dao động ở mức 6,6 đến gần 7%. Với mục tiêu lạm phát duy trì ở 6 đến 6,5% như yêu cầu của Quốc thì tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang có điều kiện để kéo giảm lãi suất huy động xuống. Với mức lạm phát như hiện nay, hoàn toàn có thể đưa trần lãi suất huy động xuống khoảng 7%/năm, như vậy cũng là điều kiện tốt để kéo giảm lãi suất cho vay xuống.
PV: Có ý kiến cho rằng, năm 2013 nên ưu tiên “phá băng” tín dụng hơn là ưu tiên hạ lãi suất. Theo ý kiến của ông như thế nào ?
Ông Vũ Đình Ánh: Vấn đề hạ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay là một trong những mối quan tâm của toàn xã hội và cũng liên quan tới vấn đề giải tỏa được tín dụng đang đóng băng.
Ví dụ, năm 2012 tổng tín dụng chỉ tăng khoảng 8,9% - là mức tăng thấp. Năm nay đặt mục tiêu tăng tổng tín dụng 12%, không phải đơn giản. Tôi cho rằng để phá băng tín dụng thì cần nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là làm sao để các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính, các ngân hàng thương mại Việt Nam phải tiến hành cơ cấu lại. Một mặt để trực tiếp hỗ trợ thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Mặt khác, khi xử lý được nợ xấu của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng mà làm tốt thì họ mới mạnh dạn cho vay để giúp phá băng tín dụng.
Vấn đề thứ hai là phía khách hàng, từ phía doanh nghiệp, ngoài lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, cái mà họ quan tâm hơn đó là các điều kiện để tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Tôi cho rằng vấn đề khó nhất là phải làm thế nào để xử lý khai thông tín dụng. Đó lại chính là khả năng tiêu thụ và vấn đề hàng tồn kho hiện nay đang rất cao. Chúng ta không xử lý được vấn đề tiêu thụ, không tăng được tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư thì tốc độ tăng tín dụng sẽ khó đạt, bất chấp việc hạ lãi suất cho vay, thậm chí hạ mạnh lãi suất cũng khó mà tăng được tín dụng và cũng không khai thông được nguồn vốn tín dụng, khi mà chưa xử lý được nợ xấu, hàng tồn kho và cải thiện tổng cầu tiêu dùng, tổng cầu đầu tư trong nước.
PV: Thưa ông, nếu tiếp tục thực hiện giảm lãi suất thì sẽ tác động như thế nào đến lạm phát ?
Ông Vũ Đình Ánh: Việc điều hành và điều chỉnh lãi suất là dựa trên nhiều căn cứ. Căn cứ quan trọng nhất là diễn biến của lạm phát, do đó, việc điều hành lãi suất tương đối thận trọng và theo lạm phát cũng không tác động nhiều và có thể làm cho lạm phát cao trở lại, mà lạm phát sẽ liên quan tới các yếu tố khác chứ không phải liên quan đến lãi suất, tín dụng.
Cái lo ngại là nếu nới lỏng tín dụng, kể cả việc thông qua tăng tổng tín dụng cũng như hạ lãi suất quá mức mới gây ra nguy cơ về lạm phát. Dĩ nhiên cần quan tâm tới độ trễ khi nới lỏng chính sách tiền tệ cũng gây ra lạm phát. Hiện nay chúng ta hạ lãi suất cũng rất thận trọng, kể cả lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, khả năng tăng tín dụng hoặc tín dụng ồ ạt gây ra nguy cơ về lạm phát cũng rất khó do điều kiện giới hạn về kinh tế, tài chính hiện nay, kể cả người vay và các tổ chức cho vay. Tôi cho rằng, với tình hình hiện nay không quá lo ngại từ phía nới lỏng với tốc độ, mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông !
Nguồn tin: VOV