Sau hơn một tuần thực hiện chủ trương đồng thuận lãi suất ở mức 14%/năm, hệ thống ngân hàng bắt đầu xuất hiện những biến động. Lượng tiền gửi tại nhiều ngân hàng có xu hướng giảm xuống từ vài trăm cho đến cả ngàn tỉ.
Chẳng hạn, theo VnExpress ngày 15.9.2011, VIB bị rút gần 1.000 tỉ đồng, Phương Nam bị rút gần 200 tỉ đồng; một đại diện ngân hàng khác cũng thừa nhận bị rút mất gần 150 tỉ đồng trong tuần qua. Không chỉ có những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng lớn như Agribank, hàng trăm tỉ đồng tiền gửi cũng bị rút ra. Theo đánh giá của đại diện Agribank “đây gần như là điều chưa có tiền lệ với Agribank”. Vậy dòng tiền dịch chuyển về đâu?
Các kênh đầu cơ truyền thống bắt đầu thu hút vốn
Khi lãi suất huy động bị áp trần chặt chẽ ở mức 14%, một bộ phận dân cư có thể dịch chuyển tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ và chứng khoán.
Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi tiếp tục được nới rộng ra từ mức hơn 500.000 đồng/lượng lên đến gần 1,5 triệu đồng/lượng. Có thời điểm, giá vàng trong nước thậm chí cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 2 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng thế giới xuống dưới 1.800 USD/oz, nhiều người dân tại TP.HCM đã đổ xô xếp hàng chờ mua vàng.
Lượng vàng người dân mua vào lớn hơn lượng vàng bán ra khiến cho nhiều công ty kinh doanh vàng đề nghị ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn ngạch nhập khẩu thêm vàng.
Tỷ giá USD/VND tự do cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên nhờ chênh lệch khá lớn giữa giá vàng quốc tế và trong nước. So với mức đầu tuần trước, tỷ giá USD/VND đã tăng thêm gần 200 đồng, vượt 21.000 đồng. Sự gia tăng tỷ giá tự do này có thể là do việc tính toán nhu cầu nhập vàng kéo nhu cầu mua USD tăng lên.
Nhu cầu tích trữ vàng lớn trong khi phân tích kỹ thuật cho thấy trong ngắn hạn, xu hướng tăng trên thế giới không thực sự rõ ràng, cũng như chênh lệch lớn giữa tỷ giá tự do và tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong bối cảnh kinh tế vĩ mô dần ổn định trong thời gian qua, là minh chứng cho thấy dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển vào các kênh đầu cơ truyền thống này khi trần lãi suất được áp trần. Lạm phát tháng 9 được kỳ vọng duy trì ở mức dưới 1%. Trong khi đó thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 8 được công bố ở mức 396 triệu USD, giảm mạnh so với tháng 7.2011. Nhập siêu chính thức tám tháng đầu năm 2011 giảm 26,7% so với tám tháng đầu năm 2010. Hơn nữa, lượng dự trữ ngoại tệ trong thời gian qua cũng tăng lên khá lớn, gần 6 tỉ USD và NHNN tuyên bố tiếp tục sử dụng một phần dự trữ này để bình ổn thị trường không để tỷ giá tăng quá 1%.
Một phần dòng tiền có lẽ cũng đã được chuyển sang kênh chứng khoán nhưng chưa thực sự mạnh. Trong tuần qua, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên cả hai sàn mỗi phiên trong tuần qua ở mức khá 1.700 tỉ đồng/phiên, cao hơn đáng kể so với những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Quốc khánh. Với việc nhiều bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán lớn như SSI, Kim Long, VNDirect… tuyên bố chưa giải ngân và xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 700 tỉ đồng tuần vừa qua cho thấy, dòng tiền vào thị trường trong thời gian vừa qua chủ yếu là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ đã chuyển một phần tiền tiết kiệm sang chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền này chưa thực sự mạnh khiến cho trong những ngày cuối tuần, thị trường đã có sự điều chỉnh giảm đáng kể. Phiên thứ sáu 16.9.2011, cả hai chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều giảm sâu. VN-Index đóng cửa giảm 2,88%, HNX-Index giảm 1,95%.
Dòng tiền tiết kiệm dịch chuyển qua lại giữa các ngân hàng
Bên cạnh việc tiền gửi bị rút ra cho các mục đích đầu tư, việc áp trần lãi suất chặt chẽ 14% theo chỉ thị 02 còn khiến cho khách hàng rút tiền từ các ngân hàng có lãi suất cao trước đây nhưng ít “thân thuộc” sang các ngân hàng “thân thuộc” hơn, chẳng hạn các ngân hàng lớn ở gần nhà hay gần cơ quan. Nếu theo xu hướng rủi ro thì với một mức lãi suất như nhau, dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng dịch chuyển sang những ngân hàng có tính an toàn hơn, nghĩa là dòng tiền sẽ dịch chuyển từ những ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn.
Câu chuyện uỷ thác có thể là một lý do giải thích cho sự biến động về lượng tiền của các NHTM trong thời gian này, đặc biệt là các ngân hàng lớn như Agribank. Trong thời gian trước, các NHTM đã tăng cường các hoạt động uỷ thác. Khi NHNN thu dần các khoản tiền tái cấp vốn làm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên, khiến việc gửi uỷ thác ở mức lãi suất 14% sẽ không còn mang lại hiệu quả nữa. Do đó, khi các khoản tiền gửi uỷ thác này đến hạn, các NHTM sẽ thu dần các khoản tiền này về. Những khoản tiền gửi uỷ thác từ các NHTM thường là những khoản tiền gửi lớn. Khi rút ngay về sẽ khiến cho một lượng tiền khá lớn bị rút khỏi NHTM.
Khó khăn của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới
Để giảm tác động của việc áp trần 14%, nhiều NHTM như ngân hàng An Bình hoặc Phương Tây bắt đầu sáng tạo ra hình thức lách trần mới, chẳng hạn cho phép gửi tiền kỳ hạn 1 ngày với mức lãi suất 14%/năm. Với hình thức này, tính theo tháng, mức lãi suất đã lên đến hơn 15%.
Điều này cho thấy nhiều ngân hàng đã bắt đầu lo lắng về thanh khoản. Nếu như các ngân hàng nhỏ bị nhiều khách hàng rút tiền gửi, họ sẽ buộc phải sử dụng nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo thanh khoản. Tuy nhiên, nguồn vốn liên ngân hàng thường kém ổn định, và biến động lãi suất rất lớn. Các bài học về thanh khoản cuối năm mà những NHTM này gặp phải trong những năm trước, sẽ khiến cho các NHTM này tiếp tục phải quản lý nguồn vốn chặt chẽ.
Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM lại đang có xu hướng tăng cao, cụ thể, theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 7.2011, tỷ lệ nợ xấu là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay so với mức 2,16% cuối năm 2010, thì việc một số NHTM gặp khó khăn trong huy động sẽ khiến cho việc giải ngân cho vay sẽ thực sự khó khăn. Lãi suất cho vay khó có thể giảm về mức 17 – 19% như mong muốn của NHNN. Điều này sẽ chỉ diễn ra với một bộ phận nhỏ khách hàng “ruột”. Hay nói cách khác, mong ước vay được lãi suất với mức 17 – 19% sẽ vẫn nằm ngoài tầm với của đại bộ phận doanh nghiệp.
Nhưng khó khăn lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng chính là sự dịch chuyển dòng tiền ra khỏi hệ thống. Nếu dòng tiền dịch chuyển mạnh sang kênh đầu cơ ngoại tệ thì thị trường ngoại hối sẽ khó tránh khỏi những biến động mạnh về tỷ giá vào dịp cuối năm. Ngoài ra, nếu dòng tiền rút khỏi ngân hàng để tiêu dùng, áp lực lạm phát cuối năm sẽ rất lớn. Nếu lạm phát quay trở lại, nỗ lực giảm lãi suất trong thời gian vừa qua sẽ khó có thể duy trì.
Nguồn tin: SGTT.VN