Lãi vay cao hơn
Ngày 28.5 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường chính thức xuống mức mới và kể từ đây, lãi suất huy động tiền đồng cao nhất trên thị trường sẽ chỉ còn 11%. Cùng với động thái điều chỉnh lãi suất đầu vào, NHNN cũng đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số nhóm ngành ưu tiên từ 15%/năm xuống còn 14%/năm. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt. Đánh giá của nhóm chuyên viên phân tích thuộc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, động thái này cho thấy NHNN đang rất nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất huy động, từ đó giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2012.
Tuy nhiên trên thực tế, theo tìm hiểu của nhóm chuyên gia phân tích này, lãi suất cho vay bình quân hiện nay vẫn ở mức khá cao, khoảng 15-17% đối với các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và khoảng trên 19% đối với các lĩnh vực khác. “Do đó, hầu hết các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn hoặc không muốn đi vay mặc dù lãi suất cho vay đã giảm khá đáng kể (khoảng 1,5-4,5%) so với cuối năm 2011” – BVSC đưa nhận định. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng yếu cùng với lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2012 khiến nhiều NHTM tỏ ra lo ngại về các khoản nợ quá hạn và hạn chế tín dụng để đảm bảo chất lượng các khoản vay.
Những thực tế trên đây - theo phân tích của BVSC - giải thích cho việc tăng trưởng tín dụng vẫn âm trong 5 tháng đầu năm 2012. Nhìn vào thực tế đang diễn ra, nhóm phân tích trên cho rằng, vấn đề quan trọng lúc này không phải chỉ là giảm lãi suất mà bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN và Chính phủ nên có các giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu các khoản nợ vay cho doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cầu trong nền kinh tế để giải quyết hàng tồn kho, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. “Giải quyết được vấn đề cốt lõi này, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay vốn hơn để đầu tư sản xuất cũng như các NHTM sẽ cải thiện được vấn đề tăng trưởng tín dụng” – báo cáo khá chi tiết của BVSC đưa quan điểm.
Ngân hàng có mặn mà?
Trong khi đó, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 29.5, nhóm công tác ngân hàng cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay 14% (tương đương trần lãi suất huy động + 3%) đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là biện pháp hành chính và sẽ dẫn đến việc các ngân hàng sẽ cho các ngành này vay ít hơn so với trước kia. Gốc rễ vấn đề là bởi khi cho vay những ngành ưu tiên này (bao gồm xuất - nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phát triển nông thôn và doanh nghiệp ngành phụ trợ), lợi nhuận ngân hàng sẽ bị sụt giảm. Chưa kể thông tư 14 quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn còn khiến cho việc định giá khoản vay có rủi ro không được chính xác.
Theo số liệu mới đây nhất vừa được NHNN cập nhật, tính đến ngày 18.5, một số NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND khoảng 0,5-1%/năm, qua đó đưa lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 13,5-15%/năm, riêng cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân ở mức 12%/năm, cho vay đối với sản xuất kinh doanh khác 14-18%/năm và cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất 16,5-20%/năm.
Dẫn số liệu báo cáo của NHNN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây có thể thấy, tính đến cuối tháng 4.2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm đến 0,66% so với cuối năm 2011. Ngay tại hai thành phố lớn nhất nước là HN và TPHCM vốn tập trung hầu hết đầu mối các NHTM lớn và các đơn vị, tập đoàn, TCty của cả nước, tăng trưởng tín dụng trong tháng 5 này ước tính chỉ đạt lần lượt 0,98% so với tháng trước (2,04% so với tháng 12.2011) và tăng 0,4% so với tháng trước (1,6% so với cùng kỳ).