Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù được đánh giá là khá thành công trong những năm qua, song đến giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả, đã đến lúc cần những định hướng mới cho nguồn vốn này.
Các chuyên gia cho rằng, đã qua giai đoạn hút đầu tư vào những lĩnh vực giá trị gia tăng thấp, đến nay, cần đầu tư vào những ngành hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng cao. Dựa trên các nghiên cứu của mình, các chuyên gia WB đã chỉ ra hàng loạt lĩnh vực ưu tiên mới đó là các ngành như kim loại bậc cao, khoáng chất, linh kiện điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch có giá trị gia tăng lớn… Dài hơi hơn, trong ưu tiên trung hạn, là việc tập trung vào các ngành sản xuất dược phẩm và y tế, dịch vụ giáo dục và y tế, dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ công nghệ thông tin…'
"Chiến lược FDI không thể không nói đến nền công nghiệp 4.0 khi các quốc gia đều bắt đầu cuộc đua này và Việt Nam không thể đứng ngoài. Tuy vậy, trong Dự thảo thiếu vắng lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, đó là kết cấu cơ sở hạ tầng - lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn mà năng lực trong nước không đáp ứng được. Thực tế hiện nay, trong lĩnh vực giao thông vận tải vẫn chưa có một dự án FDI nào vào BOT." -TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) |
Theo chuyên gia của WB, các quốc gia thường thu hút FDI không chỉ trong trường hợp cần chuyển giao công nghệ, cần nguồn vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của DN trong nước, mà còn cần cả trong những lĩnh vực gia công có nguồn nhân lực dư thừa. Còn với Việt Nam, cả 3 hình thức trên đều cần thiết. Bên cạnh đó, thu hút FDI của Việt Nam chưa đồng đều giữa các địa phương. “Vẫn còn những tỉnh thu nhập thấp, thu hút được ít vốn FDI, nên định hướng cho các địa phương này thu hút vào những lĩnh vực đầu tư truyền thống, để có được bức tranh đồng đều và cân bằng hơn”.
Đón xu hướng hội nhập
Một khuyến nghị rất đáng chú ý được nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 là, dù đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng phải thu thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. Đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.
Khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, cơ hội tăng cường thu hút FDI từ EU là không hề nhỏ. Tương tự, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, tuy thiếu Mỹ, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các thị trường này. Riêng với Mỹ, một hiệp định song phương, hoặc khả năng Mỹ quay lại với CPTPP cũng đang tạo cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong chiến lược thu hút FDI tới đây, không chỉ là tìm “lời giải” đối với Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và EU. “Làm sao phải kéo được các nhà đầu tư này vào, nếu không, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc - vốn đang có nhiều vấn đề”- ông Mại nói và cho rằng, bên cạnh hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì Việt Nam cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư như cải thiện thủ tục hành chính và đồng bộ hoá với phía châu Âu và Mỹ.
Nguồn tin: KT&ĐT