Những “phù thủy” đã làm giả 9 loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức, với tổng số tiền trên các giấy bảo lãnh và xác nhận số dư 405 tỷ đồng. Qua đó, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền của 3 doanh nghiệp hơn 16 tỷ đồng thông qua việc mua bán sắt thép...
Ngày 4/1, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 25 bị can trong đường dây làm giả "Bảo lãnh thanh toán" và "Giấy xác nhận số dư", mạo danh một số ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp.
Trong nhóm tội "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức" đáng chú ý có Trương Công Dũng, nguyên nhân viên Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Ngân hàng HSBC) và Lê Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Tân Bình, Chi nhánh Bạch Đằng thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định (Ngân hàng Gia Định).
Với nhóm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Lộc Bình Phú; Lê Nho Diễn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Gia Phát và Vũ Xuân Nghiệp, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Nghiệp Phát. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Hồ Vĩnh Tín và Nguyễn Thị Kim Bình và thống nhất với Viện KSND tối cao tách hành vi của 2 bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo cáo trạng của Viện KSND: Do không đủ năng lực tài chính để ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp trong việc mua bán xăng dầu, sắt thép, cũng như việc chứng minh năng lực tài chính để cấp có thẩm quyền xét duyệt cấp phép đầu tư dự án, các bị can Tuấn, Diễn, Nghiệp và một số bị can khác với tư cách là Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp tư nhân đã móc nối với một nhân viên và một cán bộ của Ngân hàng HSBC và Ngân hàng Gia Định cùng một số đối tượng ngoài xã hội để làm giả "Bảo lãnh thanh toán" và "Giấy xác nhận số dư" của ngân hàng, sử dụng các giấy tờ giả này để lừa dối các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước ký hợp đồng hoặc chứng minh năng lực tài chính.
Các đối tượng đã làm giả 9 loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức, với tổng số tiền trên các giấy bảo lãnh và xác nhận số dư 405 tỷ đồng. Qua đó, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền của 3 doanh nghiệp thông qua việc mua bán sắt thép số tiền hơn 16 tỷ đồng...
Ngay khi vụ việc bị phát hiện, ngành Ngân hàng đã có chấn chỉnh trong việc quản lý con dấu trong nội bộ các ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận lại cách đánh giá năng lực của các nhà thầu, không nên chỉ dựa vào những giấy tờ mang tính hành chính.
Nguồn tin:Cand