Sức ép khiến lạm phát gia tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục), giá thép và giá xăng dầu. Nếu loại trừ tăng giá dịch vụ công, CPI tháng 10 tăng 1,1% so với cùng kỳ và tăng 0,72% so với đầu năm.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cho biết như vậy trong Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 10 và 10 tháng đầu năm.
Nhìn lại diễn biến giá cả tháng trước, Ủy ban cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,25% so với đầu năm và tăng 2,98% so với cùng kỳ.
Đi sâu phân tích các thành phần, cơ quan này cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 10 tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng 2,14%, đóng góp làm CPI tăng khoảng 0,11 điểm %; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,63% làm CPI tăng khoảng 0,1 điểm %.
Tính chung 10 tháng đầu năm, các nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng lần lượt là: dịch vụ y tế tăng 43,44% so với cùng kỳ, góp phần làm CPI tổng thể tăng 1,68 điểm %; giá thép liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến giá nhóm nhà ở, điện nước tăng 5,18%, góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,81 điểm %; nhóm giao thông tăng 5,21% so với cùng kỳ góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,49 điểm %; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,26% so với cùng kỳ góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,4 điểm %. Ở chiều ngược lại, giá thực phẩm giảm 2,81% so với cùng kỳ làm CPI giảm khoảng 0,64 điểm %.
“Như vậy, có thể thấy sức ép khiến lạm phát gia tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục), giá thép và giá xăng dầu”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết.
Theo Ủy ban, nếu loại trừ tăng giá dịch vụ công, CPI tháng 10 tăng 1,1% so với cùng kỳ và tăng 0,72% so với đầu năm; Lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức thấp, tăng 1,32% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2016 tăng 1,86%).
Nguồn tin: Thời báo Ngân hàng