Lãi suất, lạm phát là những mối lo lắng của các doanh nghiệp trong suốt 4 năm qua. Lãi suất luôn ở mức cao, lãi suất cho vay đứng ở mức 16-30%/năm trong phần lớn thời gian trong khoảng 4 năm gần đây từ tháng 1-2007...
Lạm phát và lãi suất- cán cân cần cân đối .
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải cân đối giữa lạm phát và lãi suất ra sao để tránh “vòng xoáy” có thể lặp lại.
Câu chuyện căng thẳng về lạm phát – lãi suất đã diễn ra trong 3-4 năm nay. Nguyên nhân của lạm phát một phần là do sự tăng giá của những hàng hóa cơ bản trong thời gian qua như: vàng, xăng dầu, xi măng, gạch, lương thực.
Bài học trong quá khứ 1980-2005 cho thấy, chỉ có bằng một chính sách kiên quyết, mức lãi suất cao hợp lý mới có thể kiểm soát lạm phát và dập tắt bão giá. Sự thiếu kiên quyết trong chính sách trong mấy năm qua khiến cho lạm phát tiếp tục diễn ra dai dẳng. Lãi suất chưa đủ cao khiến lạm phát khó dập tắt, và tiếp tục cao lại khiến lãi suất đứng ở mức cao. Và cả lãi suất – lạm phát cứ đứng ở mức cao không giảm xuống thì doanh nghiệp còn khó khăn, khó mở rộng sản xuất, thị trường chứng khoán thiếu yếu tố thúc đẩy để tăng trưởng.
Diễn biến thị trường tiền tệ liên tiếp trong những ngày qua đã chứng minh một điều: Các biện pháp điều hành chính sách theo hơi hướng “mệnh lệnh hành chính” đã phát huy tác dụng. Sức “nóng” về lãi suất đã bắt đầu giảm nhiệt và có dấu hiệu sẽ được cải thiện khi các dòng tiền đang được ngân hàng nhà nước “nắn chỉnh” theo đúng hướng và các dấu hiệu về kinh tế vĩ mô tốt lên. Điều đầu tiên phải thừa nhận là chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ cuối năm 2010 cho đến giờ đã thực sự “ngấm” đối với mọi đối tượng, mọi lĩnh vực từ kinh doanh chứng khoán, đến bất động sản, sản xuất… Sức chịu đựng lãi suất cao của nền kinh tế đã và đang bị thử thách thực sự. Thiếu vốn cả thị trường chứng khoán lẫn bất động sản nhanh chóng rơi vào trạng thái suy giảm. Chứng khoán liên tiếp giảm sàn và chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy hồi phục. Bất động sản thì được các chuyên gia ví như quả bóng bị xì hơi. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lao đao không thể mở rộng được sản xuất, thậm chí duy trì sản xuất cũng đã khó vì lãi suất vay vốn ngân hàng đang ở mức cao từ 20-22%/năm.
Trong tình thế đó, Ngân hàng Nhà nước đang phải chịu áp lực của doanh nghiệp, đó là đòi hỏi cung ứng tín dụng nhiều hơn, lãi suất thấp hơn. Đó là đòi hỏi chính đáng. Tuy vậy, cái khó kể cả về lý thuyết và thực tế là ở chỗ: lạm phát đã tiến đến mức 2 con số thì lãi suất thấp là điều gần như không thể. Lúc này câu chuyện “hài hoà” và “cân đối” như thế nào với lãi suất và lạm phát để tránh những vòng xoáy liên tục được đặt ra cấp thiết và cần có lời giải khoa học.
Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng thực trong hệ thống ngân hàng đã lên tới 11,7% và không có gì khác so những năm trước đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với dư địa tăng trưởng tín dụng lớn cộng với việc lãi suất điều chỉnh theo hướng giảm sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và đi ngược lại chủ trương chống lạm phát. Thống đốc Nguyễn Văn Bình dứt khoát: “Tôi xin khẳng định là không! Chúng ta vẫn kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11 là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”. Nói về dư địa còn nhiều, ông Bình cho rằng, không có gì khác so với kịch bản của các năm trước, đến nay tăng trưởng thực của hệ thống ngân hàng là khoảng 11,7%. Thống đốc đưa ra giả định rằng năm nay chúng ta thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, có thể là 18% thì đến thời điểm này đã thực hiện được hơn 70% kế hoạch. Con số này so với con số bình quân của các năm trước thì lại cao hơn (cùng thời điểm này các năm trước bình quân tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 55-60%). Trả lời câu hỏi liệu giảm lãi suất có ảnh hưởng gì đến lạm phát hay không? Thống đốc cho biết, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có đưa ra nhận định là sẽ giảm được lãi suất, đây là theo đúng diễn biến của bản thân nội tại nền kinh tế chứ không phải ý kiến chủ quan của những người làm chính sách. Ngân hàng Nhà nước thấy lạm phát bắt đầu có biểu hiện giảm xuống, thanh khoản của các ngân hàng đã tốt lên, nên đây là mấu chốt để lãi suất giảm. Thống đốc cũng cho rằng, nếu để lãi suất cao như hiện nay thì các tổ chức tín dụng cũng không dễ gì cho vay ra được, cho nên mục tiêu giảm lãi suất là đòi hỏi bức xúc, đòi hỏi thiết thực của bản thân nền kinh tế, trong đó có cả hệ thống các ngân hàng thương mại, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp. "Chúng tôi cho rằng, với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, nhất định trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát và hai điều này không có gì mâu thuẫn với nhau", Thống đốc nhận định.
Những tín hiệu về việc giảm lãi vay ở một vài ngân hàng đã bắt đầu xuất hiện, báo hiệu một điểm rơi lãi suất tiền đồng mà theo đánh giá của các chuyên gia có thể xuất hiện trong 1, 2 tháng nữa. Điều kiện vĩ mô đang tốt lên, lạm phát đang giảm, từ đó có thể thấy chúng ta đang có điều kiện để giảm lãi suất hơn nữa . Vấn đề còn lại là “cân đối giữa lạm phát và lãi suất” như thế nào để tránh “vòng xoáy” có thể lặp lại, từ đó tối ưu hoá mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn tin: (CL)