Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Indonesia, Malaysia và Đài Loan từ ngày 5-10-2014
Nhập khẩu thép tại cảng Bến Nghé, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Sau hơn một năm khởi xướng điều tra, Bộ Công thương vừa chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Indonesia, Malaysia và Đài Loan từ ngày 5-10-2014. Nguyên nhân được xác định đã gây thiệt hại sản xuất trong nước.
Với kết luận này, mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc đại lục khi nhập vào VN sẽ bị áp thuế chống phá giá từ 4,64-6,87%; tương tự như vậy với Malaysia ở mức 10,71% và Indonesia ở mức 3,07%. Riêng với hàng từ Đài Loan ở mức khá cao từ 13,79-37,29%.
So với mức thuế tạm thời áp dụng trong ba tháng của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề xuất hồi tháng 12-2013, các mức thuế cuối cùng vừa công bố cho Trung Quốc đại lục, Indonesia và Malaysia đều tương đối thấp hơn.
Với Đài Loan, Bộ Công thương áp mức thuế lên đến 37,29% dành cho riêng Yuan Long Stainless Corp và mức 13,79% áp dụng cho các nhà sản xuất khác, cao hơn thời điểm áp dụng tạm thời ít nhất từ 0,56-3,56%.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mặt hàng thép không gỉ là loại thép được ứng dụng vào ngành công nghiệp sản xuất đồ gia dụng (bồn rửa bát, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm và những vật dụng khác), các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng, dụng cụ làm bếp, bộ đồ ăn (xoong, nồi, dao...), bồn nước.
Tháng 6-2013, Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP inox Hòa Bình giữ vai trò nguyên đơn, đã nộp đơn kiện với cáo buộc “sản phẩm nhập khẩu loại 2 đã bán phá giá tại thị trường VN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước”.
Nguyên đơn cho rằng sự tấn công ồ ạt của hàng nhập khẩu đã khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp trong nước tăng đến 132% (tính đến cuối năm 2012), đồng thời cảnh báo thị trường VN “như là một khu vực tiêu thụ các sản phẩm loại 2 của các nước xuất khẩu”.
Trong đơn khởi kiện cung cấp cho cơ quan chức năng, nguyên đơn chứng minh thị phần của các doanh nghiệp trong nước trong năm 2011 chỉ còn 35% so với mức 41% của năm 2010, trong khi thị phần nhập khẩu lại tăng từ 59% của năm 2010 lên 65% trong năm 2011.
Nguyên đơn cũng cho rằng ngành thép không gỉ cán nguội sản xuất trong nước có đủ năng lực để đáp ứng tất cả nhu cầu trong nước, “do đã được đầu tư các dây chuyền và nhà máy sản xuất hiện đại hàng chục triệu USD, nhưng không thể sử dụng năng lực sản xuất do việc bán phá giá từ các sản phẩm nhập khẩu”.
Trong kết luận đưa ra mức thuế cuối cùng, cơ quan chức năng của VN cũng kết luận thép không gỉ nhập khẩu “đã bán phá giá tại thị trường VN”, khiến “ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc lần đầu tiên VN đưa ra được mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Thùy Dung - ban thư ký hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại (Phòng Thương mại và công nghiệp VN) - cho rằng: “Đây sẽ là kinh nghiệm quý cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong quá trình hội nhập, khi gần như không còn công cụ nào khác có thể bảo vệ những ngành sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu”.
Theo bà Dung, để tránh tình trạng hàng hóa nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, một trong những dấu hiệu để các doanh nghiệp nghĩ tới “công cụ” này là khi sản phẩm cùng loại nhập khẩu có dấu hiệu gia tăng số lượng trên thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có dấu hiệu suy giảm.
“Đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu và đương nhiên các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng cần nhanh chóng ngồi lại tìm hiểu kỹ về khả năng cạnh tranh không công bằng về giá, thu thập chứng cứ chứng minh có thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước” - bà Dung nhấn mạnh.
Giá thép không gỉ sẽ ra sao?
Thép không gỉ là sản phẩm nhập khẩu thứ ba vào VN bị kiện (sau kính nổi, dầu ăn) trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào VN được ban hành từ năm 2004 đến nay.
Sản phẩm nói trên cũng trở thành mặt hàng đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá tại VN sau một thời gian rất dài nhiều chủng loại hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu từ VN luôn trong tình trạng bị các nước liên tục áp thuế với cáo buộc tương tự. Giá thép trên thị trường liệu có bị biến động theo chiều hướng xấu hay không chỉ có thể biết được sau ngày 5-10-2014.
Nguồn tin: Tuổi trẻ