Theo quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2025, tổng công suất của các nhà máy sẽ là 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi so với quy hoạch.
Việc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây đã có công văn gửi Chính phủ phản ánh tình trạng cấp phép bừa bãi, sai quy hoạch các dự án thép đã một lần nữa cho thấy, cần phải mạnh tay siết chặt việc cấp phép cho các dự án thép.
Ảnh Internet |
Thừa một nửa công suất
Theo thống kê của VSA, tính tới tháng 3/2010, năng lực sản xuất thép dư thừa đáng lo ngại. Cụ thể, công suất thép cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm trong khi sản xuất năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, dư thừa hơn 2 triệu tấn công suất; công suất thép cán xây dựng là 7,83 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, dư thừa gần một nửa năng lực; công suất các nhà máy sản xuất phôi là 5,73 triệu tấn nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn… Tại Bà Rịa - Vũng Tàu số dự án thép đăng ký đã lên tới 17 dự án, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm.
Như vậy, tỉnh này đã có tới 7 dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Nhưng đây không phải là tỉnh duy nhất có số lượng dự án vượt quá quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007 - 2015, có xét tới năm 2025. Hiện cả nước có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như Hải Phòng có 5 dự án, Thanh Hóa và Hải Dương với 4 dự án, Hà Tĩnh 3 dự án…
Lãng phí lớn
Điều đáng nói, trong sự bùng nổ các dự án thép đó, một số dự án công nghệ không có gì mới mẻ, năng lực tài chính không đảm bảo, các sản phẩm làm ra trong nước đã sản xuất được quá nhiều vẫn được cấp phép. Nhà nước khuyến khích đầu tư vào các dự án thép ở thượng nguồn (sản xuất phôi thép từ quặng sắt hoặc phế liệu) và những sản phẩm Việt Nam còn thiếu hoặc chưa sản xuất được vẫn phải nhập khẩu; Hay một số sản phẩm thép Việt Nam chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và các nguyên liệu cho ngành thép… Nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều dự án đầu tư vào hạ nguồn - chỉ nhập phôi về cán kéo - hoặc những sản phẩm mà trong nước công suất quá dư thừa như thép cán, cán nguội, ống thép, tôn mạ… Ngay đối với sản phẩm thép xây dựng thông thường, không có gì mới trong công nghệ và thiết bị vẫn cấp giấy phép cho nước ngoài đầu tư 100% vốn là không hợp lý.
Tình trạng đầu tư tràn lan các dự án thép như hiện nay là quá lãng phí về tiền của và đất đai vì các dự án thép thường chiếm một diện tích đất rất lớn, nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng và thời gian đầu tư kéo dài. Nhưng đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển.
Phá vỡ quy hoạch thép có thể gây ra những hậu quả khó lường mà rõ rệt nhất là về môi trường. Để sản xuất được 1 tấn thép, môi trường lại phải chịu 2,9 tấn khí CO2. Xử lý xỉ thép thải ra trong quá trình sản xuất cũng là một vấn đề nan giải đối với ngành thép nước ta hiện nay. Điều đó dẫn đến ngành thép trong nước không sản xuất hết công suất, trong khi lại phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và với thép ngoại. Lãng phí công suất, hiệu quả kinh tế thấp, giá thép cao, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp là điều khó tránh khỏi.
Báo Xây Dựng