Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Làng sắt Đa Hội đìu hiu trong suy thoái

Chẳng còn tiếng thình thình, rầm rầm rung cả đất, cũng không còn tiếng máy cóc dập đinh chan chát, inh tai... làng sắt Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) nổi tiếng hàng trăm năm với nghề sản xuất sắt, thép, nay im ắng lạ thường. “Ô, ‘chết’ hết rồi còn đâu mà hoạt động? Anh đi dọc phố Đa Hội này mà xem, số hộ có việc giờ đếm trên đầu ngón tay...” Ông Trần Văn Bắc, chủ xưởng thép Bắc Chiến, phố Đa Hội cho hay.

“Ô, ‘chết’ hết rồi còn đâu mà hoạt động? Anh đi dọc phố Đa Hội này mà xem, số hộ có việc giờ đếm trên đầu ngón tay...” Ông Trần Văn Bắc, chủ xưởng thép Bắc Chiến, phố Đa Hội cho hay.

Hai cú “sốc”

Đi hết phố Đa Hội và đi một vòng trong khu công nghiệp Châu Khê mới tin những lời ông chủ xưởng thép Bắc Chiến nói là sự thật. Hầu hết các nhà xưởng sản xuất thép cán, đúc phôi thép đều đóng cửa im ỉm. Thi thoảng mới có xưởng buôn bán sắt thành phẩm có ô tô ra vào, ngược hẳn với không khí tấp nập, ầm ĩ của khu công nghiệp (KCN) thép Châu Khê cách đây dăm năm. Thời làng thép Đa Hội thịnh vượng, ô tô lúc nào cũng xếp chật kín từ phố đến KCN. Phố Đa Hội thường xuyên tắc đường vì ô tô ngược, xuôi chở thép.

Giai đoạn kinh tế phát triển, các xưởng, lò luyện, đúc thép luôn đỏ lửa.

Ông Lê Như Ý, thôn Trịnh Xá, xã Châu Khê, chạy xe lam chở sắt, ở đầu KCN Châu Khê cho hay, 3 năm nay, việc chậm hẳn. Nếu như trước, việc chở sắt cho thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng, thì nay thu nhập chỉ còn một nửa. “Nhiều hôm mang xe ra, chờ 2 - 3 ngày mà không có việc. Ít việc quá, tôi đang định bán xe đi làm việc khác đây...”, ông Ý cho hay.

Anh Lưu Quang Chính, một chủ xưởng cán thép trong KCN Châu Khê chia sẻ, làng nghề sắt Đa Hội bị cú “sốc” đầu tiên là từ kinh tế suy giảm, kéo theo thị trường bất động sản trong nước đóng băng, khiến thép của Đa Hội làm ra không có nơi tiêu thụ. 40% xưởng sản xuất thép của Đa Hội đã đóng cửa. Khi đó, các xưởng phải đóng cửa do quy mô nhỏ, máy móc lạc hậu, chi phí giá thành của sản phẩm cao, nên không thể cạnh tranh. Hai năm tiếp theo, 2014 - 2015, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi. Nhu cầu với thép vẫn yếu, các xưởng sản xuất thép không thể chịu lỗ hơn nên thêm khoảng 40% xưởng còn lại đóng cửa tiếp.


Thép cuộn xây dựng xuất xứ Trung Quốc tràn ngập làng nghề sản xuất thép Đa Hội.

Theo ông Phạm Văn Hợp, chủ xưởng thép Hợp - Bình (một trong 3 xưởng sản xuất thép lớn nhất Đa Hội), từ hơn 400 xưởng sản xuất thép lớn, nhỏ, nay số xưởng sản xuất thép ở Đa Hội còn duy trì được sản xuất chỉ chưa đến 20%.

Theo ông Hợp, nguy hiểm nhất hay cũng có thể coi là cú “sốc” thứ hai đối với làng sắt Đa Hội là đang bị sắt, thép Trung Quốc cạnh tranh. Hiện thép xây dựng các loại của Trung Quốc đang bán ngang nhiên giữa làng nghề sắt Đa Hội. Thép Đa Hội không thể cạnh tranh được do thép Trung Quốc bán giá quá thấp. “Việc đóng băng của thị trường bất động sản Trung Quốc mới ở giai đoạn đầu, tương ứng như năm 2010 của Việt Nam. Nghĩa là sẽ còn khoảng 3 - 4 năm nữa mới chạm đáy. Nếu để 4 năm sắt Trung Quốc hoành hành thị trường nội địa thì làng nghề sắt Đa Hội sẽ đóng cửa hết”, ông hợp tỏ rõ lo lắng.

Ông chủ cũng đi làm thuê

Có lẽ chẳng bao giờ, người Đa Hội, đặc biệt là những ông chủ của những xưởng sản xuất thép tiền tỉ, lại nghĩ có ngày mình phải đi làm thuê. Nhưng chuyện không ngờ ấy đang là sự thật. Không chỉ một vài ông chủ mà ngày càng có nhiều ông chủ thép của Đa Hội sốt ruột đi kiếm việc làm.

Làng nghề truyền thống sản xuất sắt thép Đa hội đã hình thành hơn 300 năm. Giai đoạn từ 1990 - 2010 (thế kỷ trước), làng sắt Đa Hội là nơi thu hút và giải quyết việc làm cho từ 5.000 - 7.000 lao động/ngày cho các vùng xung quanh. Lượng người lao động tập trung về đông, cách đây vài năm, các dịch vụ tại Đa Hội như quán ăn, giải khát, các cửa hàng bán đồ gia dụng, nhà trọ, cắt tóc, may vá... luôn sầm uất, nhộn nhịp.

Làng nghề truyền thống Đa Hội đang phát triển thịnh vượng là thế, bỗng kinh tế suy giảm, nghề sản xuất thép suy sụp theo. Anh Lưu Quang Hùng, 36 tuổi, hiện đang là chủ xưởng đúc phôi thép với 2 máy công suất lớn đặt tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội), không giấu nổi băn khoăn: “Tôi cũng đang tính năm nay phải chuyển nghề mà chưa biết chuyển nghề gì bây giờ. Duy trì làm thì càng làm càng lỗ!”.

Anh Hùng cho biết, một số bạn bè trước đây cùng mở xưởng sản xuất, nay đều đóng cửa phải đi tìm việc sinh sống. Người thì vào nam, người thì mua ô tô đi chở hàng thuê. “Bên thôn Đa Hội, có anh bạn còn đi nhận đóng gói vàng mã xuất khẩu Đài Loan để cả gia đình làm.

Anh Lưu Quang Chính, 45 tuổi, thôn Đa Hội, đã từng là chủ xưởng rút, cán sắt xây dựng, hiện đang chăn nuôi gia cầm, cho biết, hàng chục bạn bè cùng lứa hiện tứ tán khắp nơi đi làm thuê. Có người sang Đồng Kỵ chạy xe ôm, người thì sang các làng nghề như Ninh Hiệp nhận phơi nông sản; những người khác thì xin vào các khu công nghiệp của Từ Sơn làm công nhân. “Không có việc, đói thì phải đi làm chứ cứ ngồi không mấy năm rồi còn gì?”, anh Chính nói.

Ông Trần Văn Bắc, chủ xưởng sản xuất Bắc - Chiến, phố Đa Hội cho hay, xưởng tiết giảm chi phí hết mức, nhưng làm ra sắt phi 6 phải bán với giá 75 (7,5 triệu đồng/tấn). Thế mà sắt 6 Trung Quốc về tận đây, bán với giá chỉ 71 (7,1 triệu đồng/tấn), trong khi mẫu mã, chất lượng lại đẹp hơn. Hàng ngày anh Bắc chứng kiến không biết bao nhiêu xe tải chở các loại sắt xuất xứ Trung Quốc về tập kết tại phố Đa Hội. Chẳng biết kêu ai, hàng ngày anh lại ngồi nhớ lại thời huy hoàng của Đa Hội như mới vừa diễn ra hôm qua.

Nguồn tin: Tin tức

ĐỌC THÊM