Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Làng thép Đa Hội "bội" hàng tồn

Trên những con đường làng Đa Hội (Từ Sơn, Bắc Ninh), thường trực là những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh sắt thép cửa đóng, then cài. Thỉnh thoảng mới thấy một cửa hàng còn mở cửa, nhưng cũng vắng ngắt, chỉ có ngồn ngộn những tấn thép tồn đọng chất cao như núi...

 

Những khó khăn chung của ngành thép trong cuộc khủng hoảng về giá đã ảnh hưởng đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp. Nhưng có lẽ,

Người làm thuê thất nghiệp ngồi chờ việc ở Đa Hội. Ảnh: N.Y.

người lao động mới là những "nạn nhân" chịu hậu quả nặng nề nhất. Bị nợ lương, thất nghiệp, chủ, thợ đều ngậm ngùi trở về quê tay trắng… Đó là những ghi nhận của chúng tôi tại một làng nghề nổi tiếng nhất miền Bắc - làng sắt thép Đa Hội (xã Châu Khê, huyện Từ Sơn - Bắc Ninh).

 

 

Thợ lo thất nghiệp, chủ lo phá sản

Không còn ảnh ầm ầm những chuyến xe chở phôi đến, kéo thép ra nhộn nhịp như những năm trước đây. Không còn cảnh những lò lửa hừng hực thâu đêm suốt sáng. Vẻ khá giả của những ngôi nhà to đẹp trong làng, cũng mang một dáng vẻ trầm mặc.

Trên những con đường làng chúng tôi qua, thường trực là những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh sắt thép cửa đóng, then cài. Thỉnh thoảng mới thấy một cửa hàng còn mở cửa, nhưng cũng vắng ngắt, chỉ có ngồn ngộn những tấn thép tồn đọng chất cao như núi...

Chủ tịch UBND xã Châu Khê Phạm Văn Thinh trầm ngâm cho biết, cả làng Đa Hội có hơn 1.700 cơ sở sản xuất thép. Nhưng thời điểm này, hầu như không còn cơ sở nào hoạt động nữa. Từ 2, 3 tháng nay, bà con trong làng đã dừng việc sản xuất, kinh doanh.

"Xã có thời điểm có tới cả vạn lao động mùa vụ, chủ yếu là người các địa phương khác đến làm thuê. Nhưng giờ yên tĩnh thế này đây", ông Thinh ngậm ngùi. Quả thật, lò thép tắt lửa đồng nghĩa với hàng ngàn công nhân mất việc làm.

Thời điểm bình thường, cả làng thép cần tới 7.000 lao động mỗi ngày, chủ yếu là người các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên… Giờ chỉ còn một vài cơ sở lớn giữ lại những lao động chính, làm ăn cầm chừng cung cấp hàng lẻ tẻ bỏ mối cho những bạn hàng lâu năm.

Chúng tôi tìm gặp chủ cơ sở cán kéo thép Tiến Cường, cụm công nghiệp Châu Khê 1, anh giãi bày: "Xưởng chúng tôi có 60 công nhân, mỗi tháng làm khoảng 20 - 25 ca nhưng hiện nay chỉ dám giữ lại 4-5 người và cũng chỉ làm cầm chừng khoảng 9 - 10 ca...". Trước đây, công nhân lao động tại Cơ sở Tiến Cường đều có thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng tùy theo lượng sản phẩm.

Nhưng hiện nay, thép làm ra chỉ để đắp chiếu trong kho, không có trường vốn để kéo dài hoạt động, anh Cường phải cho công nhân nghỉ việc. Ngay bản thân ông chủ cũng đang lo lắng, vì nếu tình hình tiếp diễn, cơ sở của anh cũng có nguy cơ giải thể. Hiện cả làng thép vốn tấp nập chỉ còn chưa đầy 200 lao động. Nhưng số này chủ yếu là cửu vạn...

 

Làng nghề đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chủ tịch xã Phạm Văn Thinh lo ngại: "Làng nghề Đa Hội sắp phá sản rồi, do cả 2 nguyên nhân là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới làm giá phôi thép giảm đến không ngờ, trong khi đầu ra hoàn toàn bế tắc và các công trình xây dựng trong nước lại đang thi nhau đắp chiếu, hi vọng cuối cùng cho sắt thép là thị trường tiêu thụ nội địa cũng bị bịt lại".

Đa Hội là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, không xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, làng nghề chủ yếu là thu gom sắt phế liệu về nấu thành phôi hoặc thu mua phôi thép để cán, kéo thành thép thương phẩm.

Sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước không xuất khẩu được sản phẩm, chuyển hướng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, khiến các doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở sản xuất thép gần như ứ trệ, không tiêu thụ được sản phẩm. Một điều dễ nhận thấy là sản phẩm thép đúc thủ công ở Đa Hội không thể cạnh tranh được với những thương hiệu lớn của ngành thép. Theo ông Thinh, hiện ở Đa Hội đang tồn đọng hàng chục nghìn tấn sắt thép.

Ông Lê Đức Thành, chủ Cơ sở đúc Thành Lợi, kể: "Mỗi tháng chúng tôi cung cấp hơn 100 tấn hàng cho một cơ sở làm vành xe máy nhưng bây giờ, họ chỉ nhận chưa đầy 10 tấn, lại còn nợ tiền gần 3 tháng nay vì hàng của họ cũng không bán được".

Chỉ vào đống phế liệu cao như núi, anh Vũ Quang Lộc, chủ Cơ sở thép Lộc Thủy, ngán ngẩm: "Hơn 100 tấn đã thu gom về nhưng đầu ra không "trôi" được nên không dám đưa vào nấu. Mỗi ngày chỉ nấu túc tắc vài ba tấn cho lò khỏi lạnh chứ làm ăn buồn nản lắm".

Khó khăn ở làng nghề không chỉ khiến người lao động thất nghiệp mà còn khiến nhiều chủ sản xuất vỡ nợ.

Theo ông Thinh, đã có một số người phá sản phải bỏ làng chạy đi nơi khác. Các doanh nghiệp còn lại đều đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi gần như 100% cơ sở đều phải vay vốn ngân hàng. Trung bình, mỗi cơ sở vay 1 tỷ đồng, nhiều cơ sở vay 3-4 tỷ đồng. Tổng lượng vốn vay khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu đến cuối tháng 12 này, các ngân hàng đòi quay vòng vốn thì chắc chắn nhiều cơ sở phải phá sản vì không đủ khả năng trả nợ...

Mong mỏi lớn nhất hiện nay của các hộ sản xuất là được khoanh nợ, giãn nợ. Mới đây, các ngân hàng đã cùng với Hiệp hội Thép Việt Nam bàn cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các ngân hàng cũng đã thống nhất cho doanh nghiệp được giãn nợ.

Nhưng với những chủ cơ sỏ sản xuất nhỏ lẻ, họ vẫn chưa biết rõ, họ có được nhận sự giúp đỡ này từ phía ngân hàng hay phải tự xoay sở trong bế tắc?

CAND

ĐỌC THÊM