Dưới sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ và gặp nhiều khó khăn trong việc gia tăng nguồn vốn cho sản xuất, các nhà máy thép Đông Nam Á hiện đang dựa vào việc liên doanh hay hợp nhất lại với nhau để có thể tồn tại cũng như giúp tăng cường hoạt động kinh doanh của họ.
Các đại biểu tại Hội nghị thị trường thép Châu Á Platts tổ chức ở Hong Kong vào tuần trước đã nghe về các thị trường ở khu vực Đông Nam Á chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan và Indonesia hiện đang được xếp vào nhóm nước có thép nhập khẩu giá rẻ- nhất là từ Trung Quốc và cũng có một lượng hàng nhập ít hơn từ Nhật Bản và Đài Loan.
Phần lớn thép cuộn cán nóng của Trung Quốc là thép cacbon trá hình thành thép hợp kim do cho thêm boron vào. Vấn đề này đã được Hiệp hội sắt thép ASEAN nêu ra với Hiệp hội sắt thép Trung Quốc nhưng vẫn chưa có tiến triển gì, Fazwar Bujang, chủ tịch Hiệp hội sắt thép Indonesia thừa nhận.
HRC cacbon của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á đã giảm từ 2,1 triệu tấn năm 2007 xuống còn 22.611 tấn trong năm 2012, theo số liệu World Trade Atlas được trình bày tại hội nghị. Ngược lại, xuất khẩu HRC hợp kim lại tăng từ 37.505 tấn (2007) lên 1,7 triệu tấn trong năm 2012.
Azlan Abdullah, giám đốc điều hành Melewar Industrial Group tại Malaysia, phát biểu việc thị trường trong nước cạnh tranh với thép Trung Quốc có giá rẻ hơn gặp rất nhiều khó khăn. “Do khách hàng đã quen mua hàng với giá rẻ nên họ không quan tâm đến chất lượng mà chỉ muốn có giá tốt. Chất lượng HRC của nhà máy chúng tôi tốt hơn nhiều do được sản xuất từ quặng sắt nhưng các khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả mà thôi”, ông nói.
Các ngân hàng thiếu quan tâm đầu tư cho nhiều nhà máy thép trong khu vực là một chủ đề bức xúc khác tại hội nghị. Vì vậy, Abdullah cho biết Malaysia đã cố thuyết phục các nhà máy thép cân nhắc khả năng sáp nhập để có tiềm lực mạnh hơn.
Một lộ trình khác là liên doanh với các nhà máy thép quốc tế có quy mô lớn hơn, chẳng hạn như vụ liên kết giữa Posco và PT Krakatau Steel ở Indonesia. “Liên doanh là một cách làm đúng đắn do không phải xây dựng một nhà máy mới làm tốn rất nhiều vốn”, Abdullah nói.
Michael Loefler, giám đốc điều hành GJ Steel ở Thái Lan phát biểu rằng việc xây một nhà máy thép hợp nhất để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế tạo xe hơi mất khoảng 9-10 tỷ đôla Mỹ, và các ngân hàng không hứng thú để bơm ra một khoản tiền lớn như vậy. Với rào cản nguồn vốn đầu vào quá lớn, liên doanh hay có các đối tác chiến lược rõ ràng là một hướng đi hiệu quả, nhất là khi người Nhật lại muốn tăng cường đầu tư trong khu vực.
Nguồn tin: Satthep.net