Báo cáo thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) với tựa đề "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011" (WESP - 2011) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao, cắt giảm ngân sách và nguy cơ của cuộc chiến tranh tiền tệ vẫn là những tác nhân chủ yếu đe dọa sự hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm 2011.
Ông Rob Vos, thuộc Cơ quan phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội của LHQ (DESA) nhận định: "Chúng ta sẽ chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng và phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn". LHQ cũng cảnh báo các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu sẽ phải đương đầu với cuộc chiến chống lại suy thoái kép. WESP - 2011 dự đoán tốc độ tăng trưởng của Mỹ năm 2011 sẽ chỉ đạt 2,2%, giảm 0,4% so với tốc độ 2,6% dự kiến của năm nay. LHQ cũng tỏ ra không lạc quan trước triển vọng tăng trưởng của châu Âu khi dự đoán năm 2011, khu vực này chỉ tăng 1,3% so với mức dự kiến 1,6% của năm nay.
Trái ngược với nhận định tương đối bi quan về triển vọng của các nước phát triển, LHQ tin tưởng rằng, các nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy đà tăng trưởng của thế giới. Đặc biệt là các nước đang phát triển tại châu Á sẽ tạo nên một khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 7% trong hai năm tới.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến triển vọng u ám trên của kinh tế thế giới nói chung và của các nước phát triển nói riêng là do thị trường việc làm vẫn không được cải thiện. Ông Rob Vos cho rằng, thế giới sẽ cần phải tạo ra ít nhất 22 triệu việc làm mới để đạt được sự ngang bằng so với thời điểm trước khi khủng hoảng. Tuy nhiên, theo dự báo của LHQ, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 3,1% vào 2011 và 3,5% năm 2012 - thấp hơn nhiều so mức cần thiết để phục hồi lại số việc làm bị mất trong suốt cuộc khủng hoảng. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ nhiều nước phải thực hiện các biện pháp để cắt giảm thâm hụt ngân sách thì phải mất ít nhất 5 năm nữa thế giới mới có thể tạo thêm được 22 triệu việc làm mới. Quyết tâm giảm thâm hụt nợ công còn ảnh hưởng đến việc ban hành các gói kích thích kinh tế đã bắt đầu hết hiệu lực ở nhiều quốc gia khiến LHQ lo ngại "nếu không có thêm kích thích thì sự phục hồi kinh tế vẫn còn tiếp tục trì trệ".
Bên cạnh vấn đề tạo việc làm, WESP - 2011 còn cho rằng, sự biến động của các thị trường tiền tệ hiện đang tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô và gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo ông Rob Vos, kinh tế thế giới "có nhiều rủi ro trong hai năm tới" do các quốc gia đã và sẽ tiếp tục ban hành những biện pháp tiền tệ tự vệ để kiềm chế lạm phát và giữ lợi thế cho xuất khẩu. Đặc biệt, nguy cơ hỗn loạn và bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn tồn tại khi các nền kinh tế lớn châu Âu, Nhật Bản và Mỹ tiếp tục theo đuổi những chính sách tiền tệ riêng rẽ.
Theo WESP - 2011, để kinh tế toàn cầu không rơi vào một giai đoạn trì trệ kéo dài, các nhà hoạch định chính sách của mọi quốc gia trên thế giới phải giải quyết được 5 vấn đề lớn. Trước hết là phải cung cấp thêm các gói kích thích tài chính; tính toán và ban hành những chính sách tạo thêm việc làm; tìm ra cơ chế phối hợp tối ưu hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; đảm bảo sự sẵn sàng cho phát triển tài chính và cuối cùng là các nền kinh tế lớn phải phối hợpban hành các chính sách quan trọng.
Nguồn: KTĐT