Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lỗ kinh doanh ngoại hối - Thủ thuật lách

Báo cáo lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2011 của một số NHTM cổ phần khá khả quan trong bối cảnh thị trường tiền tệ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có một điểm chung ở các NH này là hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ. Điều này khá mâu thuẫn với diễn biến thị trường thị ngoại hối và vàng từ đầu năm đến nay thuận lợi cho các NHTM.

Lỗ kỹ thuật

 

NH A. cho biết năm nay kinh doanh ngoại hối và vàng quý III lỗ 83,7 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng lỗ 187,6 tỷ đồng. Trong khi năm 2010 mảng hoạt động này lãi 44,7 tỷ đồng trong quý III và 9 tháng lãi 320 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần quý III-2011 của NHTM này vẫn tăng khá mạnh, trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Về nguyên tắc tỷ giá càng tăng, NH càng có lợi. Từ đầu năm đến nay nhiều NHTM đã duy trì trạng thái ngoại tệ dương, nên việc điều chỉnh tỷ giá khoản lỗ kinh doanh ngoại hối sẽ được chuyển thành lợi nhuận của năm nay. Như vậy, có thể thấy việc báo cáo lỗ ngoại hối của các NHTM khá mâu thuẫn so với diễn biến thị trường trong quý III-2011.

Chuyên gia ngân hàng

Còn NH E. cho biết quý III hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng lỗ 18,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi trên 20 tỷ đồng. Điểm bất thường là NH này từ trước đến nay vốn có thế mạnh kiếm lợi nhuận ở mảng kinh doanh ngoại hối vì đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

 

Ngân hàng N. cũng công bố bị lỗ kinh doanh ngoại hối 49 tỷ đồng trong quý III-2011, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 66,6 tỷ đồng.

 

Theo một chuyên gia ngoại hối, việc hạch toán lãi/lỗ trong kinh doanh ngoại hối của NH được tính chênh lệch tỷ giá, thực hiện vào cuối tháng bằng cách lấy doanh số bán (giá vốn của lượng ngoại tệ đã bán) trừ đi doanh số mua ngoại tệ.

 

Đối với NH lớn giá vốn được xác định trên cơ sở tỷ giá bình quân trong tháng, với những NHTM nhỏ giao dịch không nhiều thường lấy giá mua ngoại tệ hiện hữu.

 

Hơn nữa, trong kinh doanh ngoại hối tùy vào chi phí tiền đồng từng thời điểm và khả năng phán đoán xu thế của tỷ giá nên các NHTM có thể kiếm lời lớn, nhưng cũng có thể lỗ nặng. Vì vậy, lĩnh vực kinh doanh ngoại hối là vô chừng, khó có thể xác định được so với các mảng kinh doanh khác như tín dụng, dịch vụ thanh toán…

 

Qua đây càng cho thấy rõ thực trạng thu phí ngoại tệ tại các NH và tình trạng 2 tỷ giá. Bởi NHTM phải huy động ngoại tệ với nhiều hình thức khác nhau, trong khi người bán lại muốn bán giá cao.

 

Năm ngoái nhiều NHTM lỗ trong kinh doanh ngoại hối. Thế nhưng trong quý III vừa qua, 2 tháng 7 và 8 tỷ giá khá lặng sóng, thị trường ngoại tệ tự do hoạt động cũng ảm đạm.

 

Đặc biệt việc kinh doanh ngoại tệ của các NHTM được thuận lợi hơn khi cuối năm ngoái đầu năm nay NHNN siết mạnh hoạt động của thị trường tự do.

 

Các NHTM mua được ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân đúng giá niêm yết, nên khó có chuyện bị lỗ về giá mua bán ngoại tệ. Bước sang đầu tháng 9, thị trường tự do hoạt động sôi động hơn theo thị trường vàng, nhưng đây cũng là thời điểm NHNN bắt đầu điều chỉnh tỷ giá liên NH một cách linh hoạt, tăng dần và sát hơn với tỷ giá giao dịch thực tế cũng như tỷ giá thị trường tự do.

 

Hợp thức hóa lách lãi suất

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn mua USD vượt trần ở các NHTM và tỷ lệ vượt trần được tính vào các loại phí khác nhau. Như vậy nếu các NHTM báo cáo lỗ ngoại hối chỉ là lỗ kỹ thuật tính theo tỷ giá do NHNN quy định, còn thực tế hoạt động này đang là kênh kiếm lợi của các NHTM.

 

Một lãnh đạo NH tiết lộ, 9 tháng năm 2011 chi phí huy động vốn thực tế của các NHTM trong khoảng 17-19%/năm, thậm chí có NHTM lên đến 20%/năm.

 

Các NHTM hạch toán giá vốn đầu vào chỉ 14%/năm nhưng đầu ra trần lãi suất cho vay thỏa thuận lên đến 22-24%/năm. Vì thế sẽ không ngạc nhiên khi mảng tín dụng vẫn chiếm lợi nhuận cao.

Chuyên gia ngân hàng

Nhưng từ cuối quý III NHNN siết trần lãi suất huy động và “soi kỹ” các khoản hạch toán ngoại bảng lẫn ủy thác đầu tư trong báo cáo tài chính của các NHTM. Do vậy, không loại trừ các NHTM phải hạch toán chi phí huy động lãi suất vượt trần qua mảng kinh doanh ngoại hối và vàng, dẫn đến hoạt động kinh doanh ở 2 mảng này bị lỗ.

 

Đặc biệt, gần đây một số NHTM bắt đầu lách trần lãi suất huy động bằng việc mua hợp đồng vàng có kỳ hạn với khách hàng. Về lý thuyết khi mua hợp đồng kỳ hạn vàng với giá cao hơn giá hiện hữu, NHTM sẽ phải chấp nhận một khoản lỗ trong kinh doanh mua bán vàng. Và như vậy việc lách trần lãi suất đã được hợp thức hóa.

 

Thông điệp siết trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay của NHNN do có độ trễ nhất định, nên hiệu quả của lãi suất cho vay rẻ chỉ có thể phát huy ở mảng tín dụng vào quý IV - thời điểm cuối năm nhu cầu vốn gia tăng.

 

Nhiều NHTM cũng cho biết trong quý III tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm, thậm chí không ít NHTM còn giảm dư nợ tín dụng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng điều lạ là lợi nhuận từ mảng tín dụng của các NHTM trong quý này vẫn tăng cao, vượt trội so với các mảng khác.

 

Một giám đốc NH tiết lộ, chênh lệch lãi suất so với quy định khiến hạch toán tại NH rất "mệt", bởi phải điều chỉnh con số cho phù hợp với quy định của NHNN. Mỗi quý phải hạch toán để khớp sổ sách, nếu không cẩn trọng dễ nhầm lẫn.

 

Điều này bản thân những người hạch toán cũng không muốn, nhưng nếu không làm như vậy NH không thể tồn tại và cạnh tranh với các NH khác trong giai đoạn khan vốn như hiện nay.

 

Như vậy, có thể thấy với các giải pháp hành chính hiện nay đã tạo ra sự méo mó của hệ thống NHTM. Trong tình thế này, các NHTM sẽ xây dựng 2 hệ thống kế toán song song để hạch toán hoạt động, vừa nhằm đối phó với việc thanh tra của NHNN, vừa để theo dõi tình hình hoạt động thực tế của đơn vị mình.


Nguồn tin: Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

 

ĐỌC THÊM