Bác thông tin sẽ đưa trần lãi suất về 12% một năm, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất huy động sẽ giảm trong thời gian tới. Các chuyên gia và lãnh đạo nhà băng nhỏ nhận định, giảm trần lãi suất lúc này hại nhiều hơn lợi.
Tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh nhận định, chỉ có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện hạ trần lãi suất huy động khi kinh tế vĩ mô đã chắc chắn ổn định. Việc đưa trần lãi suất huy động về 12% một năm không những không có lợi, mà còn tạo nên những hệ quả không tốt cho ngành ngân hàng, ông nói.
Chuyên gia này phân tích, điều nhìn thấy đầu tiên là lãi suất tiền gửi của người dân thực âm, thậm chí âm sâu hơn trước. Mức lạm phát trong năm vẫn trên 20%, mà lãi suất huy động giảm về 12% sẽ không tương thích. Mặt khác, khi nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, hạ lãi suất đầu vào sẽ khiến cho thanh khoản trở nên nghiêm trọng. Nợ xấu thị trường dân cư, liên ngân hàng có nguy cơ tăng lên khi thị trường bất động sản và các hoạt động sản xuất kinh tế vẫn kém hiệu quả, ông Tự Anh nhận định.
Nếu trần lãi suất giảm xuống dưới 14% một năm trong lạm phát vẫn 2 con số, các nhà băng sẽ khó khăn hơn trong thu hút vốn từ dân cư. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất huy động.
Ông nhìn nhận, ít nhất có ba cái hại nhìn thấy được ngay khi lãi suất giảm. Thứ nhất, kế hoạch kiểm soát lạm phát mới chỉ được tính trên giấy tờ. Còn thực tế năm sau, chỉ số này có dưới 10% hay không, lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Hơn nữa, xét tình hình hiện nay, tốc độ tăng CPI mới chỉ được cải thiện trong 1 - 2 tháng nên cũng không thể nói trước. "Chừng nào còn tồn tại 2 yếu tố là người dân gửi tiền nhận lãi suất thực âm, thanh khoản ngân hàng còn yếu, đều quá sớm để giảm lãi đầu vào", ông Thành cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành bày tỏ, tin đồn trần lãi suất về 12% một năm xuất hiện trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang rục rịch chuyển mình bởi đề án tái cấu trúc, rõ ràng nhạy cảm. Vì thực tế, người dân không phải ai cũng hiểu "ngân hàng nhỏ không có nghĩa là yếu" mà chỉ biết, khi lãi suất dồn về một mức, rõ ràng, gửi ngân hàng lớn sẽ an toàn hơn.
Trước đây, khi trần lãi suất về 14% một năm, các nhà băng nhỏ đã khó; nếu lãi suất giảm còn 12%, trong khi cái tiếng "nhỏ - yếu, nhỏ - thiếu an toàn" chưa giải quyết được thì việc vực dậy thanh khoản càng khó, chuyên gia nói trên nhận định.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định, có 2 động lực cho niềm tin hạ lãi suất: Một là tốc độc tăng lạm phát đã giảm, hai là áp lực giảm lãi suất cho vay. Song trước mắt, chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy giảm lãi suất huy động sẽ hạ được lãi cho vay. Bởi lãi suất cho vay phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu tiền tệ và chưa khi nào tồn tại cơ chế trực tiếp lãi đầu vào giảm, sẽ giảm đầu ra, ông nói.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, yếu tố đầu tiên quyết định lãi cho vay giảm là rủi ro kinh tế hạ bớt, nguồn vốn chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Nếu như trần lãi suất thấp hơn 14%, các nhà băng rất khó thu hút vốn, đặc biệt là các tổ chức nhỏ. Hệ quả có thể là lãi suất liên ngân hàng càng đẩy lên cao; vấn đề thanh khoản sẽ mang tính hệ thống, thay vì cục bộ như hiện tại.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu lãi suất giảm, không chỉ các ngân hàng nhỏ và yếu thanh khoản gặp khó, mà chính Ngân hàng Nhà nước cũng gặp khó. Nếu như trước kia, khi trần lãi suất giảm về 14%, các đơn vị đều tìm cách lách để thu hút được nguồn vốn gửi vào. Còn trong bối cảnh thiếu thanh khoản như hiện nay, trần 12% một năm, nếu thực hiện, sẽ chẳng khác nào ép nhà băng phải lách luật. Nếu Ngân hàng Nhà nước làm nghiêm, các ngân hàng nhỏ sẽ khó về thanh khoản, và ngược lại.
Suốt năm 2010, người dân đã phải chịu lãi suất trần thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát. Đến năm nay, niềm tin về kiểm soát lạm phát có thể tạo động lực dân gửi tiền vào ngân hàng, thì nếu áp trần lãi suất về dưới 12%, lượng tiền ngân hàng thu hút được sẽ thấp.
Trước đó, thị trường xôn xao tin đồn trần lãi suất sẽ về 12% trong tháng 12. Lãnh đạo một số nhà băng cũng xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã phủ nhận thông tin lãi suất về 12%, song thừa nhận sẽ đưa lãi suất giảm xuống trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia nhận định, tin đồn hạ trần lãi suất tiền gửi, cộng thêm việc hợp nhất SCB, Tín Nghĩa Bank và Ficombank (dù là tự nguyện) cũng là "đòn ngầm" đối với những đơn vị khó khăn về thanh khoản trong tình hình hiện nay.
Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cỡ vừa chia sẻ: "Với trần lãi suất 14% một năm, các nhà băng vừa và nhỏ đã phải chật vật để huy động vốn. Giờ nếu hạ xuống nữa thì không biết sẽ ra sao, đặc biệt là trong bối cảnh 3 ngân hàng đầu tiên chuẩn bị cho kế hoạch hợp nhất".
Nguồn tin: Vnexpress