Chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ dù diễn biến âm ỉ, song tác động tới Việt Nam là rất gần.
Đầu tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay, với thuế suất tới hơn 200% lên các sản phẩm thép xuất cảng từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc. Từ trường hợp này, có thể khẳng định thêm rằng chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ dù diễn biến âm ỉ, song tác động tới Việt Nam là rất gần.
Thép Trung Quốc đã sớm tìm đường vào Việt Nam để né thuế
Kịch bản được dự báo trước
Tuyên bố của DOC cho biết, mức thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp lên tới 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu có nguồn gốc Trung Quốc. Đối với thép không gỉ, mức thuế chống bán phá giá là 199,43% và chống trợ cấp 39,05%.
Lý do khiến DOC cáo buộc các sản phẩm này đi qua Việt Nam để "né" thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ là do sau khi các sản phẩm thép Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá vào năm 2015, doanh số thép cán nguội và thép không gỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh từ 24 - 40 lần. Các mức thuế mới được triển khai lên hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này và được coi là một chiến thắng cho các nhà sản xuất thép của Mỹ.
Thực tế cho thấy kịch bản Mỹ đánh thuế mạnh tay vào sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc đã được cảnh báo từ vài năm trước, trong bối cảnh lượng thép nhập khẩu từ quốc gia láng giềng tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014 kim ngạch nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh 81,1% về lượng và tăng 61,06% về giá trị so với năm 2013. Tới năm 2015, thép Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng này. Đặc biệt, nhập khẩu thép năm 2016 đã vượt qua tổng lượng thép sản xuất trong nước. Cho đến nay, lượng thép Trung Quốc luôn chiếm tới gần 70% tổng sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Thời điểm đó, các chuyên gia và cơ quan quản lý đã cảnh báo về sự gia tăng bất thường của kim ngạch nhập khẩu sản phẩm thép. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, nếu có sự gia tăng đột biến kim ngạch nhập khẩu trong một ngành hàng hay sản phẩm cụ thể nào đó thì chúng ta sẽ bị kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên khả năng có thể bị kiện kép chống trợ cấp. Đây là điều nguy hiểm cho nền kinh tế.
Cùng với chuyển dịch thương mại, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng đã “nhăm nhe” vào ngành thép Việt Nam, song tới nay vẫn chưa có số liệu cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm vừa qua các NĐT Trung Quốc đã liên tục đổ vốn vào thông qua hình thức mua bán và sáp nhập DN, với số dự án và số vốn chỉ đứng sau NĐT Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đang tìm cách thôn tính một số DN thép thua lỗ của Việt Nam. Với chiêu thức này, các DN Trung Quốc không chỉ lách được chính sách áp thuế tự vệ đối với một số sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, mà với cả sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Mỹ.
Khó tiên lượng các rủi ro tiềm ẩn
Nhận thấy bài học nhãn tiền từ ngành thép, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng đã nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn. Theo số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2017 là năm thành công của ngành này với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng cao, đạt khoảng 8 tỷ USD.
Đạt được thành tích này, theo Hiệp hội, là do ngành gỗ Trung Quốc bị Mỹ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là lúc đối diện lo ngại bởi ngành gỗ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng nằm trong nhóm các mặt hàng đang được chính quyền của Tổng thống Donald Trump xem xét áp thuế. Nếu điều này xảy ra, rất có thể sẽ tiếp tục có làn sóng DN Trung Quốc tràn sang Việt Nam để “né” thuế của Mỹ, khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores cho hay hiện có khoảng trên 500 DN FDI trong lĩnh vực chế biến gỗ thì các DN Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 1/3. Không những vậy, gần đây Vifores tiếp xúc với rất nhiều NĐT mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành này nhằm hưởng lợi từ các FTA. Các hiệp hội gỗ tại các địa phương gần đây cũng phản ánh về hiện tượng đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng mạnh. Do đó có thể phỏng đoán rằng sự dịch chuyển này là những động thái nhằm tránh các chính sách thuế mà Mỹ áp dụng cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường này.
Với các diễn biến khó lường ở một số ngành hàng, Bộ Công thương đã sớm phát đi cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong các tháng đầu năm 2018. Đây có thể coi là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, có rất nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chủ nghĩa bảo hộ tuy diễn biến âm ỉ song rất khó lường. Đó là, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại đối với sản phẩm máy giặt. Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế “chống lẩn tránh” vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức.
Một số nước khác thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.
Nguồn tin: Thới báo ngân hàng