Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với thép cuộn cán nóng nhóm lên 5% thay vì mức 0% như hiện nay.
Thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chịu thuế
Ngọc Thắng
Đây là một trong những nội dung theo công văn xin ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Bộ Tài chính.
Theo Bộ Tài chính, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó 40% là nhập từ Trung Quốc. "Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường thép Việt Nam", Bộ Tài chính nhận định.
Dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết hiện trong nước đã sản xuất được một số mặt hàng thép cuộn cán nóng như các mặt hàng thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng, đã ngâm, tẩy, gỉ... Còn theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của các doanh nghiệp trong nước tính đến hết năm 2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm (đạt 86% công suất thiết kế, công suất thiết kế là 4 triệu tấn/năm). Mỗi năm nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn. Như vậy năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 50%, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi) và Công ty Formusa đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế MFN từ 0% lên 5% đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08. Hơn nữa, mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu có mức thuế suất cơ bản từ 5-25%, như vậy phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.
Theo Bộ Tài chính, khả năng tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% (như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc). Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên
Nguồn tin: thanhnien.vn