Do trục trặc tại thiết bị lọc bụi của túi vải, tại lò vôi số 1, đã khiến tăng áp suất lò vôi và dẫn đến phát nổ.
Đó là khẳng định của một lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết, sau buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TN-MT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện Formosa tại hiện trường.
Theo vị lãnh đạo trên, có hai lò vôi số 1 và số 2, trong đó lò số 1 vận hành thử ngày 25/5. Đây là công trình sản xuất nguyên liệu phụ trợ, độc lập, không liên quan đến dây chuyền sản xuất ở lò cao. Ngay sau khi sự sự cố xảy ra, hệ thống tự động cung cấp nguyên liệu đã tự đóng ngắt.
“Sự cố không có thương vong về người, môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng. Thiệt hại về vật chất không đáng kể. Phải mất khoảng 2 đến 3 tuần thì nhà máy mới khắc phục được sự cố ở thiết bị này. Hiện Formosa đang chuyển sang luyện vôi ở lò dự phòng”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.
Được biết, lò vôi đang đốt dùng để xử lý nguyên liệu vôi phục vụ nhà máy. Vôi sống CaO là nguyên liệu rất cần thiết để tạo xỉ, loại bỏ lưu huỳnh trong quặng sắt. Mỗi tấn nguyên liệu đưa vào lò cần 80kg vôi.
Sự cố tại thiết bị lọc túi vải lò vôi số 1 đã gây tăng áp suất và phát nổ. Ảnh VNN
Vôi được cho vào lò qua thiêu kết quặng. Rồi quặng thiêu kết mới cho vào lò. Như vậy khâu tôi vôi hoàn toàn nằm ngoài lò cao (cách lò cao 500m).
Hiện các chuyên gia đang đánh giá sâu hơn về nguyên nhân của sự cố để có những giải pháp khắc phục lâu dài hơn về sự cố này.
Trước đó, chiều 29/5, hội đồng giám sát liên ngành đồng ý cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép. Việc này vừa là để thử nghiệm cho quá trình sản xuất chính thức sau đó, cũng là để kiểm tra, đánh giá việc hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường của Formosa.
Trong điều kiện ổn định, lò hoạt động với công suất 9.300 - 10.000 tấn gang lỏng/ngày. Hai tuần đầu, lò cao chỉ vận hành khoảng 50% công suất.
Tính đến thời điểm hiện nay, Formosa đã cho ra lò 1.400 tấn gang lỏng. Từ nay đến hết 2017, Formosa dự kiến sản xuất từ 1,3 đến 1,6 triệu tấn thép. Đầu 2018, công ty này sẽ vận hành lò cao số 2.
Trước sự cố trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Tác An -nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: "Sau sự cố này, chúng ta phải đặt ra câu hỏi quá trình kiểm tra vận hành thử không tải đã được thực hiện hay chưa?.
Ông Lê Đình Sơn (Bí thư Hà Tĩnh, thứ hai từ phải qua) thị sát hiện trường nơi xảy ra sự cố. Ảnh VnE
Trước khi đưa vào vận hành sản xuất thật thì phải có giai đoạn vận hành không tải, nhà máy luyện kim nào cũng phải trải qua giai đoạn này.
Nếu trong trường hợp chạy không tải không phát hiện sự cố gì, mà đến khi chạy thử lại xảy ra sự cố chắc chắn là do chất lượng công nghệ. Còn trong trường hợp nếu không cho chạy thử không tải thì người giám sát vận hành Formosa làm sai quy trình, lỗi này hoàn toàn là do con người".
Cũng đưa ra quan điểm về sự cố trên, PGS.TS Nguyễn Sơn Lâm - Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Bộ môn Kỹ thuật gang thép, Đại học Bách khoa HN cho rằng, trong công nghệ luyện thép thì giai đoạn lọc bụi lò vôi là yêu cầu kỹ thuật thấp nhất, mà còn xảy ra sự cố đúng là đáng tiếc.
Hơn nữa, theo ông Lâm, đã xảy ra sự cố thì phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ tất cả dây chuyền sản xuất, tất cả chất lượng các thiết bị, nguồn gốc sản xuất có đảm bảo, đúng với cam kết đầu tư hay không?.
Khi nhà máy trên bắt đầu khởi công xây dựng bản thân ông đã khuyến cáo phải sử dụng các thiết bị chuẩn cho công nghệ luyện thép mới tránh được các sự cố không mong muốn.
Nguồn tin: Đất việt