Tình trạng "bội thực" các dự án thép xây dựng đã đến mức báo động khẩn cấp khi chỉ trong vòng vài tháng qua, Hiệp hội Thép đã có 2 công văn khẩn kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng địa phương ngừng cấp phép cho các dự án loại này.
Chính phủ và Bộ Công Thương cũng ra lời cảnh báo, nhưng bất chấp, các nhà đầu tư vẫn đầy "hăng máu" lao vào lĩnh vực nhiều rủi ro này để mong tìm kiếm lợi nhuận.
Bất chấp quy hoạch
Chỉ trong một thời gian ngắn, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất của các nhà máy gang thép của VN dư thừa đáng lo ngại: Cụ thể, công suất thép cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, dư thừa hơn 2 triệu tấn công suất. Công suất thép cán xây dựng là 7,83 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, dư thừa gần 3,8 triệu tấn, gần một nửa năng lực.
Công suất các nhà máy sản xuất phôi thép là 5,73 triệu tấn, nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn. Công suất ống thép hàn là 1,3 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất chỉ đạt trên 473 ngàn tấn/năm. Công suất thép lá mạ kim loại là 1,2 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất chỉ đạt 816 ngàn tấn/năm...
Theo quy hoạch phát triển ngành thép được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2025, dự báo tổng công suất toàn ngành mới đạt 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nếu tính tổng công suất của các dự án thép đã được cấp phép trên cả nước thì đã tới con số 40 triệu tấn/năm, gấp đôi so với quy hoạch.
Tháng 3.2009, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 1708/VPCP-KTN gửi cho các bộ, UBND tỉnh/thành phố, Hiệp hội Thép VN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc cấp phép xây dựng các dự án thép. Ngày 17.8.2009, Bộ Công Thương cũng có văn bản 8017/BCT-CNNg do Thứ trưởng Lê Dương Quang ký gửi các địa phương quy định cụ thể việc cấp phép đầu tư cho các dự án thép nhằm lập lại trật tự trong đầu tư ngành thép.
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Thép cũng 2 lần làm công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc chấn chỉnh cấp giấy phép đầu tư trong ngành thép, đặc biệt là các sản phẩm thép xây dựng mà năng lực sản xuất trong nước đã vượt quá xa so với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên cho tới nay, tình hình cấp phép sai quy định chưa có dấu hiệu cải thiện.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA - cho biết, đầu tháng 6 Cty thép Việt Đức - chuyên sản xuất thép ống - đã mở rộng sang lĩnh vực thép xây dựng với công suất 350.000 tấn/năm tại Vĩnh Phúc, Cty thép đặc biệt Shengling (nhà đầu tư Trung Quốc) cũng đưa vào hoạt động nhà máy thép xây dựng 300.000 tấn/năm tại Thái Bình. Ngay cả Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây được Bộ Công Thương chỉ ra đang có tới 17 dự án thép với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm, cung vượt xa so với nhu cầu, trong đó có 7 dự án là nằm ngoài quy hoạch. Nhưng mới đây, tỉnh này lại vừa cấp phép cho dự án thép xây dựng của Cty TNHH Posco SS-Vina, có tổng vốn đầu tư lên tới 620 triệu USD.
Quá lãng phí
Hiện Bộ Công Thương đã thống kê, đến cuối năm 2009, cả nước có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu với 7 dự án, còn có Hải Phòng 5 dự án, Thanh Hóa và Hải Dương mỗi tỉnh 4 dự án, Hà Tĩnh 3 dự án... không nằm trong quy hoạch, không có thoả thuận với bộ quản lý ngành là Bộ Công Thương trước khi địa phương cấp phép. Vì thế, quy hoạch gần như liên tục bị phá vỡ vì các địa phương cứ cấp theo thẩm quyền, bất kể năng lực sản xuất thép đã vượt xa so với nhu cầu, dẫn đến lãng phí lớn.
Lẽ dĩ nhiên, trong kinh tế thị trường, DN sẽ là người chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, vì đồng vốn của họ bỏ ra, tuy nhiên, việc các địa phương tiếp tục cấp phép đầu tư bất tuân quy hoạch đang dẫn đến nghịch lý nơi thừa, nơi thiếu. Thiếu sản phẩm thép chất lượng cao, các loại thép trong nước chưa sản xuất được, nhưng lại quá dư thừa thép xây dựng thông dụng, dây chuyền sản xuất đa phần là nhập từ Trung Quốc, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Hệ lụy là các nhà máy sẽ phải vận hành thấp hơn công suất thiết kế rất nhiều, gây lãng phí lớn và giảm đáng kể hiệu quả kinh tế. Đây cũng là một trong yếu tố khiến giá thành thép nội cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Đó là chưa kể, các dây chuyền sản xuất thép NK giá rẻ sẽ gây hệ lụy ô nhiễm môi trường, tiêu tốn điện năng. Sau khi nhiều nhà máy thép phía bắc đi vào hoạt động, theo TCty Điện lực Miền Bắc, phụ tải công nghiệp tăng trưởng tới 32%, là một thực trạng đáng lưu tâm. Bởi các nhà máy này sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng trên một tấn sản phẩm.
Trước tình trạng “loạn” các dự án thép, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ thị các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ trong việc cấp giấy phép đầu tư cho ngành thép. Trong thời gian tới chỉ cấp phép đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép Việt Nam chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và các nguyên liệu cho ngành thép... Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của nước ngoài triển khai chậm trễ, lưu ý khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, nếu không có lý do chính đáng thì có thể phải rút giấy phép để tránh lãng phí, vì diện tích đất của các dự án chiếm rất lớn, việc triển khai kéo dài có thể cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác.
Hiệp hội cũng kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại việc cấp phép của các địa phương trong thời gian gần đây, nếu không thực hiện đúng như quy định của Chính phủ và các bộ, ngành quản lý thì yêu cầu địa phương phải chỉnh sửa lại.
LĐ