Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Loạn" thị trường tôn thép mạ

Tôn thép mạ, đặc biệt là tôn sơn phủ màu được sử dụng phổ biến trong xây dựng. Chính vì lẽ đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất uy tín đang gây thiệt hại nặng nề cho DN và khiến người tiêu dùng hoang mang.

Người tiêu dùng bị “móc túi”

Theo ước tính của cơ quan chức năng, tôn giả, tôn nhái đang chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng gần 350.000 tấn, như vậy số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại mỗi năm vào khoảng 400 tỷ đồng. Thiệt hại do lượng tôn thép giả gây ra mỗi năm hơn 900 tỷ đồng.

Thủ đoạn phổ biến được các đối tượng kinh doanh tôn giả sử dụng thường là in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín in lên hàng nhái, hàng giả. Tinh vi hơn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn còn bán hàng không đúng quy định về đăng ký quy cách, kích thước, chất lượng. Với cách thức này, người tiêu dùng không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và tôn phủ màu. Vừa qua, Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn “ăn gian từng mi-li-mét”.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Cơ động chống hàng giả- Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Kết quả kiểm tra 4 cơ nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng tôn trên địa bàn Hà Nội thì kết quả sơ bộ cho thấy, hầu hết các mẫu tôn đều không đảm bảo độ dày so với độ dày ghi trên nhãn hàng hóa. Cuối tháng 11 vừa qua, khi Đội Cơ động chống hàng giả kiểm tra Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và sản xuất Thái Thịnh (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đơn vị đã phát hiện 5 loại tôn màu có dấu hiệu độ dày mỏng hơn so với độ dày ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể loại tôn 0,3mm đo thực tế chỉ 0,27mm; loại tôn 0,32mm đo thực tế là 0,3mm; loại tôn 0,35 mm đo thực tế là 0,32mm; loại tôn 0,37mm đo thực tế là 0,35mm; loại tôn 0,42mm đo thực tế là 0,4mm. Không những vậy, khi tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Mỹ Hoa tại Lô số 5 Cụm Công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội cơ sở kinh doanh này đã có dấu hiệu chống đối, không hợp tác sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện 3 loại tôn màu có độ dày thực tế không đúng với độ dày ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, do cuộn tôn có trọng lượng hơn 4 tấn, phải sử dụng xe nâng để bốc dỡ xuống mới có thể kiểm tra. Tuy nhiên do công ty không hỗ trợ, hợp tác nên cơ quan chức năng không thể thực hiện nhiệm vụ.

Không chỉ gian lận về kích thước, theo ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen: Hiện trên thị trường xuất hiện thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh tôn giả là nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in, phun nhãn mác, thương hiệu tôn của các DN uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và ăn bớt độ dày của tôn. Mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt từ 4.000-6.000 đồng.

Còn theo ông Trần Việt Hưng- Phó Đội trưởng Đội 4 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Đối với mặt hàng tôn nhập khẩu, sai phạm chủ yếu được phát hiện là về tên hàng hóa, mã số để gian lận thuế, trốn thuế. Thuế suất giữa các mặt hàng tôn chênh lệch nhau khá lớn, từ 0% đến 20% nên các DN hay khai sai tên hàng và mã số để gian lận, trốn thuế. Hơn nữa, DN khai báo một loại, khi bán ra thị trường lại quảng cáo là loại khác.

DN hoang mang

Theo ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen: Tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần, tuy nhiên trước vấn nạn tôn giả, tôn nhái chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, Tôn Hoa Sen đã giảm 2,6% thị phần. Việc giảm thị phần kể trên tương đương với việc Tôn Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng.

Ông Lê Phước Vũ cũng cho biết: Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường ảnh hưởng rất lớn đến các DN kinh doanh sản xuất nghiêm túc. Do không cạnh tranh được với hàng kém chất lượng nên nhiều DN đã buộc phải “gian dối” theo. Điều này dẫn tới thiệt hại, nhất là người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết: Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý, tịch thu khoảng 10.000 tấn thép và tôn kém chất lượng, riêng thị trường Hà Nội tịch thu gần 200 tấn tôn nhập khẩu nhái nhãn hiệu của các DN có tiếng trong nước. Nhiều đơn vị nhập khẩu rất tinh vi, họ đặt hàng từ các cơ sở sản xuất nước ngoài dập nhái sản phẩm của các nhãn hiệu tôn thép trong nước. Do vậy, Ban chỉ đạo 389 - Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắt thép xây dựng”. Từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tổng kiểm tra mặt hàng này.

Để nhận biết tôn giả, theo cơ quan chức năng những tấm tôn kém chất lượng thường ghi độ dày là 0,35 hoặc 0,42 thay vì ghi rõ ràng 0,35mm hoặc 0,42mm. Trên những cuộn tôn giả thường có ký hiệu MSC hoặc MC trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn. Tôn chính hãng có màu sắc nét hơn tôn nhái. Một gợi ý được đưa ra cho người tiêu dùng để tránh mua phải sản phẩm của các đơn vị làm ăn gian dối là khi mua hàng, người tiêu dùng nên đề nghị cơ sở xuất hóa đơn tài chính, như vậy sẽ hạn chế được phần nào việc làm ăn gian dối.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM