Với thực tế công suất các nhà máy thép trong nước đã vượt nhu cầu tiêu dùng nội địa, giải pháp “ép” doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải dự trữ lưu thông bắt buộc với mặt hàng phôi thép và thép sẽ khó khả thi để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu!
“Bình" mới "rượu" cũ
Đúng 7 năm kể từ ngày hai “sáng kiến” (thành lập quỹ dự trữ phôi thép quốc gia và bù lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhập phôi) của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) nhằm bình ổn thị trường thép không thể hiện thực hóa, cơ quan này lại đang tiến hành trưng cầu ý kiến doanh nghiệp một “sáng kiến” na ná là Dự thảo Quyết định “dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu”, trong đó có thép và phôi thép.
Chỉ khác là, trong “sáng kiến” mới này, Bộ Công Thương đã “sáng tạo” hơn trong việc yêu cầu doanh nghiệp (thay vì Cục Dự trữ Quốc gia) thực hiện dự trữ bắt buộc với mặt hàng thép và phôi thép.
Theo đó, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước (đối với thương nhân nhập khẩu); 3% lượng phôi thép mà thương nhân đã sản xuất năm trước (đối với thương nhân sản xuất phôi thép).
Trong trường hợp thương nhân sản xuất phôi thép đồng thời là thương nhân nhập khẩu thép, phôi thép thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng.
Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.
Lý giải cặn kẽ về “sáng kiến” này, trong Dự thảo mang đi trưng cầu ý kiến doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, Bộ Công Thương cho rằng phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 80% trong việc hình thành giá thép thành phẩm.
Trong khi phôi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, 40% còn lại phải nhập khẩu và giá thép trong nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá phôi thép trên thế giới, vì vậy để góp phần bình ổn thị trường thép, việc quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với phôi thép (chủ yếu là phôi vuông dùng trong sản xuất thép xây dựng) là cần thiết.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong khi nguồn lực từ quỹ dự trữ quốc gia có hạn, dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ là giải pháp thiết yếu nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và doanh nghiệp khi cung - cầu có sự bất ổn lớn, đặc biệt là khi nguồn cung giảm đột biến.
Theo đó, đối tượng dự trữ lưu thông là những doanh nghiệp có thị phần lớn có khả năng đáp ứng nghĩa vụ này. Với nguồn lực của mình, các doanh nghiệp đủ lớn này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thông qua việc hình thành một nguồn dự trữ ổn định và đủ sức đối phó với những bất ổn cung cầu trong phạm vi toàn quốc.
Quy định dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ giảm bớt được cơ bản nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp cũng có lợi khi thực tế trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình đã luôn tồn tại hoạt động dự trữ nhất định; đặc biệt khi cơ chế dự trữ lưu thông bắt buộc ra đời, Nhà nước sẽ có những biện pháp hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi như lãi suất tín dụng, miễn, giảm thuế.
Giải pháp khó khả thi
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tính đến hết tháng 3, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng sản lượng thép xây dựng bán ra của cả nước năm 2010 mới đạt trên 6,3 triệu tấn.
Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết mức tiêu thụ thép hiện nay chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty. Trong khi đó, các công ty sản xuất thép xây dựng trong VSA đều dự trữ khoảng 500.000 tấn phôi thép và 300.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể số phôi thép và sản phẩm tồn ở các công ty thương mại. Vì vậy, số lượng phôi và sản phẩm tồn hàng tháng cao hơn nhiều so với mức quy định dự trữ trong Dự thảo của Bộ Công Thương.
Thực tế thị trường trong nước những năm qua chưa bao giờ thiếu thép xây dựng. Sự biến động giá cả thép trên thị trường, không phải do thiếu thép mà chủ yếu do biến động giá nguyên liệu quyết định như giá quặng sắt, giá than, xăng dầu, phôi thép, giá thép phế.
Thêm vào đó, rất khó xác định được giá thị trường chung cho sản phẩm thép bởi ngay ở cùng một thời điểm xác định, giá thép bán tại miền Nam đã khác so với miền Bắc, giá thép giữa các thương hiệu khác nhau cũng chênh nhau khá nhiều.
Vì vậy, việc quy định giá “bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% chỉ có lợi cho các công ty trung gian, không phải người sử dụng.
Bài học “xương máu” của những năm trước đã áp dụng ở một số công ty cho thấy quy định giá bán thấp như vậy sẽ hình thành cơ chế xin-cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối, Nhà nước chịu thiệt mà người tiêu dùng không được hưởng. Điều này cũng được chứng minh từ thực tế bình ổn giá với một số mặt hàng trong năm vừa qua.
Đồng quan điểm này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho rằng việc “ép” doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thép phải dự trữ bắt buộc tối đa là yêu cầu không cần thiết vì bản thân nhà nước không yêu cầu thì doanh nghiệp cũng tự phải bỏ tiền ra dự trữ hàng hóa khoảng 10%.
Thêm vào đó, yêu cầu doanh nghiệp khi bán hàng dự trữ bắt buộc phải bán thấp hơn 10% so với giá thị trường là trái với quy luật kinh tế thị trường, ngay cả khi doanh nghiệp được hỗ trợ.
Được xếp vào hạng một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam về năng lực sản xuất và kinh doanh phôi thép và thép xây dựng, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Việt cũng cho biết nhiều năm nay, trong ngành thép đã có sự cạnh tranh gay gắt bởi công suất sản xuất thép hiện đã cao hơn nhu cầu. Vì vậy, không cần dự trữ để bình ổn thì các doanh nghiệp cũng tự phải dự trữ để cạnh tranh.
Với nền kinh tế đã mở cửa hội nhập, giá thép trong nước chịu ảnh hưởng khá nhiều của giá thép thế giới nên khi giá thép thế giới lên thì giá thép trong nước cũng điều chỉnh theo nhưng với cường độ chậm hơn.
Thực tế cho thấy, vào năm đỉnh điểm 2007, khi giá thép thế giới lên cao đột ngột tới 1.200 USD/tấn nhưng giá thép trong nước xuất khẩu sang các thị trường lân cận cũng chỉ cao nhất là 800 USD. Vì vậy, chỉ khi giá thép trong nước cao hơn giá thế giới mới cần có sự can thiệp của Nhà nước, ông Thái khẳng định.
Tuy nhiên, việc lựa chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối dự trữ hàng hóa và phân phối theo “mệnh lệnh” của Nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh, trái với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Giải pháp nào hữu hiệu
Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn báo chí cách đây 7 năm, Vụ trưởng vụ Luyện Kim (Bộ Công nghiệp) ngày ấy, ông Lê Dương Quang đã thừa nhận gải pháp lập quỹ dự trữ thép quốc gia “không phải là giải pháp hay ho” nhưng Bộ Công nghiệp vẫn phải đề xuất bởi biến động của mặt hàng thép và phôi thép nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng hiện nay, tình thế đã khác nhiều.
Ông Phạm Chí Cường cho biết mặc dù công suất sản xuất phôi thép trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất thép nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, nhất là các công ty liên doanh vẫn chọn cách nhập khẩu
Nguyên nhân không chỉ do giá phôi thép trong nước nhiều lúc cao hơn giá phôi thép nhập khẩu mà còn do chất lượng phôi thép sản xuất trong nước chưa thể “ngon” bằng phôi thép nhập khẩu. Hiện chỉ có khoảng 50% lượng phôi thép sản xuất trong nước theo công nghệ tiên tiến là đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất thép.
Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng phôi thép trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu thị trường, đồng thời hạn chế nhập khẩu phôi thép nhằm tiết kiệm ngoại tệ và thời gian, chi phí vận chuyển, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến để cho ra sản phẩm phôi thép Việt Nam chất lượng cao, tạo niềm tin tiêu dùng cho nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, vào những thời điểm giá phôi thép biến động mạnh, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh giá phôi thép bởi hiện nay mức thuế nhập khẩu phôi thép vẫn là 7%.
Với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành “doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh, tự quyết định giá mua giá bán” trong khi Nhà nước có quyền kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp đăng ký công khai giá bán và doanh nghiệp tuân thủ pháp lệnh giá, giải pháp ổn định cung cầu thị trường vẫn là tăng cường kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp có hành vi đầu cơ trái phép, “thổi giá” bất hợp pháp để trục lợi.
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Việt khẳng định Việt Nam cần kiên định trong việc thực hiện nền kinh tế thị trường và chỉ trong một nền kinh tế thị trường thực sự với sự cạnh tranh lành mạnh mới mang lại sự bình ổn về giá cả và nguồn cung hàng hóa.
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, cách tốt nhất để bình ổn thị trường là làm tốt công tác dự trữ quốc gia, ông Thái nhấn mạnh.
Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)