Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Loay hoay xử lý sỉ thép

Trong quá trình luyện phôi thép, lượng sỉ thép phát sinh chiếm khoảng 3%/tổng sản lượng phôi thành phẩm. Các loại bụi thép và vảy thép chiếm khoảng 1%. Đây là con số đã không được ngành chức năng lưu ý để tiên lượng đúng mức cho công tác chuẩn bị xử lý các chất thải của ngành luyện phôi thép.

Khu đất Thép Miền Nam giành đổ sỉ thép

Chính vì vậy, đến nay, sau một thời gian đi vào hoạt động, chất thải từ các nhà luyện phôi thực sự là nỗi lo của DN và chính quyền địa phương.

Phải dành quỹ đất” để lưu giữ sỉ thép

Ông Lê Minh Châu, Trưởng Ban quản ý các KCN tỉnh BR-VT đã khẳng định: Sỉ thép không ô nhiễm, chỉ phải chôn lấp thôi. Chôn lấp thì trên đó chúng ta vẫn có thể xây dựng các công trình được. Sỉ cũng không bao nhiêu, 1 năm 3 triệu tấn phôi thì chưa đến 100 ngàn tấn sỉ. 100 ha Tóc Tiên thì cả đời chúng ta chôn cũng không hết. Khu Tóc Tiên dư sức cho chúng ta chôn lấp trong nhiều năm”.

Theo ông Trần Thanh Toàn - Phó giám đốc Cty Thép Miền Nam, mỗi tháng nhà máy thải 2.300 tấn sỉ, 600 tấn bụi lò, 400 tấn vảy thép. Ngoài bụi lò và vảy thép là những phế phẩm lâu nay được xem là đầu vào của một số ngành sản xuất hoặc được tái chế lấy thép, còn lại sỉ thép thì tại VN chưa có công nghệ nào xử lý nên khi đầu tư dự án luyện phôi, các DN đều tính đến phương án chôn lấp. Thực tế, khi thỏa thuận đầu tư dự án luyện phôi thép tại KCN Phú Mỹ, đơn vị có đặt vấn đề tìm nơi xử lý chất thải và tỉnh thống nhất sẽ xử lý chất thải ngành thép theo phương thức chôn lấp và cũng đã dành hẳn 100 ha khu Tóc Tiên để làm nơi xử lý chất thải và chôn lấp sỉ thép. Đến nay, khu vực chôn lấp chất thải của ngành thép trong khu 100 ha này vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai. Trước đây, khi chưa có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thải công nghiệp, các nhà máy thép thường bán cho những đơn vị có nhu cầu vận chuyển. Nhưng từ năm 2009 đến nay, khi việc vận chuyển chất thải bị kiểm soát chặt, các DN đã phải lưu giữ chất thải tại nhà máy. Riêng Thép miền Nam tuy đã phải dành hẳn 1 khu đất rộng cả 1.000 m2 để lưu giữ nhưng với lượng sỉ thải ra mỗi tháng hơn 2.300 tấn thì chẳng bao lâu nhà máy không còn đất để lưu giữ. DN cũng đã đề nghị xin tỉnh hỗ trợ nhưng như ông Toàn nói thì đến giờ này DN chưa nhận được sự hỗ trợ gì.

Cũng trong tình trạng tương tự, anh Nguyễn Xuân Thiện - phụ trách môi trường của Cty cổ phần Thép Việt cho biết: Với công suất lò luyện 500.000 tấn/năm, Thép Việt đã phải dành 5 ha đất trong khuôn viên nhà máy để lưu giữ sỉ thép. Từ đầu năm 2009 đến hết tháng 6/2010 lượng xả thải của nhà máy đang được tạm lưu giữ khoảng 19.800 tấn và không biết tình trạng “tạm lưu giữ” này đến khi nào mới chấm dứt.

Cả địa phương và DN đều lúng túng

Lượng sỉ thép đang tồn giữ tại các nhà máy không đơn thuần là chiếm giữ đất, làm kém hiệu quả sử dụng đất mà còn dễ phát tán trong không trung vào những khi gió lớn, gây bụi và ô nhiễm môi trường xung quanh. đây là vụ việc đã xảy ra tại Cty CP Thép Việt hồi đầu năm nay, gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân xung quanh. Các hộ dân quanh vùng đã gửi đơn kiến nghị chính quyền các cấp. Đến lúc này thì địa phương mới thấy hết bất cập trong việc cấp phép cho các dự án luyện phôi với việc chuẩn bị công tác xử lý chất thải thép. Mới đây nhất, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra tình hình cấp phép và hoạt động của các DA thép trên địa bàn để tìm giải pháp hữu hiệu cho sỉ thép. Con số thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 8 dự án thép đang hoạt động với tổng công suất hơn 4.550.000 tấn thép cán và 1 triệu tấn phôi thép/năm. Ngoài ra còn 10 dự án chưa triển khai, trong đó công suất luyện hơn 2,7 triệu tấn/năm. Chủ yếu các dự án luyện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều dùng nguyên liệu đầu vào là thép phế thải - một phương pháp luyện phôi thải ra lượng sỉ lớn. Như vậy với công suất luyện tới 3,7 triệu tấn năm thì hàng năm BR-VT phải đối mặt với thách thức không nhỏ là sỉ thép. Đến hết đời dự án thì đây quả là vấn nạn bởi chắc chắn nếu vẫn chỉ tính đến xử lý xỉ thép bằng phương pháp chôn lấp thì diện tích dành cho công việc này sẽ không nhỏ. 

DN tự lo ?

Theo ông Trịnh Văn Nam - Trưởng ban dự án Cty Thép Việt, Chủ trương của Cty chỉ tập trung cho công việc chính là SX thép và phôi thép nhưng trong tình hình không tìm được nơi nào xử lý sỉ thép, trong khi lượng sỉ phát sinh ngày càng tồn đọng nhiều trong khuôn viên nhà máy, nên buộc đơn vị phải tính đến chuyện tự tìm giải pháp xử lý “thế bí” của đơn vị trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, đơn vị còn một dự án luyện đã được cáp phép nên không thể không tính. Ông Nam nói: “Chúng tôi thực sự bị động nhưng sẽ có hướng giải quyết. Chúng tôi đã tính  đến hướng liên doanh với một đối tác nước ngoài để xử lý sỉ thải nhằm đạt tiêu chuẩn môi trường, đồng thời nó cũng mang lại hiệu quả kinh tế.”

Đây cũng là việc mà Cty Thép Miền Nam đã và đang tính toán để có thể tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất. Ông Trần Thanh Toàn - Phó giám đốc Cty Thép Miền Nam cho biết : “Chúng tôi cũng đã tích cực tìm không phải một mà ba đối tác. Nhưng vì chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước 100% vốn cho nên mỗi lần chọn một đối tác đầu tư dính dáng đến tiền là phải qua rất nhiều cấp, nhiều khâu duyệt, nên quá trình này cũng mất thời gian.” “Tự doanh nghiệp phải xoay xở từ lâu. Nếu ngồi chờ sự hỗ trợ thì chắc chúng tôi phải ngưng SX  từ lâu” - ông Toàn khẳng định...

Về phía cơ quan quản lý chuyên ngành, bà Trần Thị Hường - Giám đốc sở Công thương cũng đề nghị các đơn vị phải chủ động tìm giải pháp căn cơ để phát triển ổn định và lâu dài.

Nguồn: Chuyên mục do Báo DĐDN phối hợp với
Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện

ĐỌC THÊM