Bộ Tài chính đang đề xuất áp dụng mức thuế suất xuất khẩu 3% với phôi thép và các sản phẩm thép. Với việc đề xuất này, có lẽ cơ quan quản lý nhà nước muốn ngành thép phát triển hợp lý, góp phần điều hòa nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc hạn chế bằng cách đánh thuế xuất khẩu rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả lợi bất cập hại.
Tính đến đầu năm 2011, tổng công suất của ngành thép đã đạt hơn 15,5 triệu tấn, kể cả phôi thép, trong khi tổng mức tiêu thụ của thị trường chỉ 9,25 triệu tấn. Vì thế, ngoài việc tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp thép đã phải tìm thị trường xuất khẩu. Song, lợi nhuận mang lại từ xuất khẩu thép liệu có đủ bù đắp cho việc tiêu tốn năng lượng hay ô nhiễm về môi trường? Do đó, cần hạn chế việc tăng trưởng các sản phẩm của ngành thép, nhất là với mặt hàng thép xây dựng. Nhưng cần cân nhắc việc hạn chế bằng cách đánh thuế xuất khẩu. Việc cấp phép tràn lan để phát triển các dự án thép là do các cơ quan quản lý và lãnh đạo địa phương, nên dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung như hiện nay. Đó là chưa kể đánh thuế xuất khẩu, cũng gián tiếp đánh vào người tiêu dùng trong nước, vì lâu nay ngành thép chủ yếu sống nhờ vào thị trường nội địa. Việc xuất khẩu mới thực hiện trong vài năm trở lại đây và kim ngạch xuất khẩu cũng đạt khiêm tốn, chỉ trên dưới 1 tỷ USD/năm. Nếu các DN thép trong nước còn phải chịu thêm 3% thuế xuất khẩu, thì sẽ gặp không ít khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều giải pháp khác có thể áp dụng để hạn chế sự tăng trưởng các sản phẩm thép như hiện nay mà không cần tăng thuế xuất khẩu. Đó là việc xem xét tăng giá bán điện dùng trong sản xuất thép, tuân thủ nghiêm quy hoạch phát triển của ngành thép, đồng thời hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, để dành cơ hội cho ngành thép nội địa phát triển...
Nguồn tin: HNM