| |||
|
Câu hỏi này thật không dễ trả lời.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Newsweek mới đây, tác giả Daniel Gross đã “mổ xẻ” những sai lầm của giới lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ dẫn tới cuộc khủng hoảng này.
Theo tác giả, tính tới thời điểm hiện tại, những người làm trong ngành tài chính vẫn là đối tượng “giơ đầu chịu báng” nhiều nhất, bởi lẽ, một số sếp lớn trong ngành ngân hàng Mỹ và thế giới đã mắc sai lầm dẫn ngân hàng mà họ lãnh đạo tới bờ vực đổ vỡ, hoặc đã đổ vỡ.
Thất bại này của các giám đốc nhà băng là một trong những đề tài nóng nhất của báo chí thế giới trong thời gian qua. Giới lãnh đạo ngân hàng Mỹ phải đối mặt với những phiên điều trần “toát mồ hôi” trước Quốc hội Mỹ, có người bị mất việc, chứng kiến tài sản bốc hơn phần lớn, và thậm chí trở thành mục tiêu cho sự giận dữ của công chúng. Nhìn chung, mọi người cùng có chung quan điểm là, lãnh đạo ngân hàng chính là “thủ phạm” gây ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu nhìn thấu đáo hơn, các nhà lãnh đạo của ngành ngân hàng sẽ không thể gây ra được đống đổ nát tài chính này nếu như không có sự hỗ trợ “đắc lực” của các nhà kinh tế học.
Có chân trong Chính phủ Mỹ, các tổ chức học thuật, và cả các tập đoàn ở Phố Wall, trong suốt thập kỷ qua, các nhà kinh tế đã cung cấp kiến thức và “dung túng” cho cơn sốt trên thị trường tài chính và nhà đất của nước này. Không ai khác, chính các nhà kinh tế học là những người đi đầu trong việc cổ vũ cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ. Khi tình hình xấu đi, chính họ lại thất bại trong việc dự báo hậu quả của sự việc.
Nhiều người có cùng chung quan điểm rằng cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan là nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Greenspan vừa có kiến thức tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng mắc phải không ít những sai lầm. Trong sự nghiệp của mình, ông dành toàn tâm toàn ý cổ vũ “bộ ba” chính sách là sự kết hợp giữa lãi suất thấp, nới lỏng các quy tắc thị trường, và khuyến khích khả năng sáng tạo của ngành tài chính để ngăn chặn những tai ương có thể xảy đến với các thị trường.
Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất đồng USD thấp trong một thời gian dài đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ các loại chứng khoán và công cụ phái sinh. Thậm chí, vào tháng 2/2004, Greenspan còn phát biểu rằng, lãi suất vay cầm cố nhà thả nổi có thể giúp người vay tiết kiệm tiền. Sự sáng tạo của ngành tài chính tạo ra những sản phẩm kiểu như các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ (credit default swaps - CDS) hay chứng khoán đảm bảo bằng nợ địa ốc (mortgage-backed securites - MBS) rốt cục lại gây ra rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, sự tự do hóa thị trường đã đi quá xa, đến nỗi Chính phủ Mỹ thời gian qua phải có những biện pháp xếp vào hàng vô tiền khoáng hậu. Bởi thế, cuộc khủng hoảng này có thể được xem là một sản phẩm mà Greenspan đã “chung tay” viết nên.
Tuy nhiên, Greenspan không phải là nhà kinh tế học duy nhất mắc phải sai lầm. Trong suốt thời kỳ bong bóng tín dụng ở Mỹ, người kế nhiệm ông ở ghế Chủ tịch FED, tức đương kim Chủ tịch Ben Bernanke, và nhiều nhà kinh tế học xuất chúng khác, đã giúp tạo ra một vỏ bọc tri thức cho những sai lầm và sự tham lam của hệ thống tài chính.
Chính Bernanke đã giúp xoa dịu những mối lo rằng mức lãi suất của USD trong thời kỳ bùng nổ tín dụng là thấp tới mức nguy hiểm. Vị Chủ tịch FED này ban đầu lập luận rằng, lãi suất nên được giữ ở mức thấp một khi vấn đề thiểu phát cũng gần đáng lo ngại như lạm phát, sau đó, ông tiếp tục cho rằng, lãi suất thấp là kết quả từ những khoản tiết kiệm thừa mứa trên toàn cầu.
Kinh tế gia trưởng David Malpass của ngân hàng đầu tư Phố Wall Bear Stears đã sụp đổ cách đây hơn một năm thì khẳng định, không nên lo ngại về tỷ lệ tiết kiệm qua thấp của người Mỹ, khi mà ai ai cũng có trong tay cổ phiếu và nhà cửa, rằng thị trường tài sản lên giá sẽ giúp cải thiện tỷ lệ tiết kiệm. Ở cuối thời kỳ bùng nổ của thị trường địa ốc, kinh tế gia trưởng David Lereah của Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh doanh bất đống sản Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi người dân mua nhà. Lereah hứa hẹn, giá nhà kiểu gì cũng tăng ít nhất cho tới cuối năm 2010!
Như vậy, nhiều nhà kinh tế học hàng đầu đã sai trong suốt thời kỳ thị trường tài chính và nhà đất ở Mỹ bùng nổ. Khi cơn sốt này đi tới hồi kết, họ lại càng sai hơn.
Trừ một số gương mặt, hầu hết các nhà kinh tế đều không nhận thức được sự lao dốc của thị trường địa ốc Mỹ bắt đầu từ mùa hè năm 2006 sẽ có tác động tiêu cực như thế nào tới nền kinh tế và hệ thống tài chính. Vào ngày 9/10/2006, chính Greenspan đã phát biểu: “Điều tồi tệ nhất đối với thị trường địa ốc có thể đã kết thúc”. Vào tháng 11/2007, Bernanke ước tính thua lỗ bắt nguồn từ hoạt động cho vay dưới chuẩn ở nước này vào khoảng 150 tỷ USD. Trên thực tế, thua lỗ này hiện nay đã lên tới cả ngàn tỷ USD.
Mặc dù ngày nào cũng nghiền ngẫm các dữ liệu kinh tế và tiếp xúc với các nhà kinh tế cao cấp ở trong và ngoài FED, cả Greenspan và Bernanke dường như không phát hiện ra bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy con virus của hoạt động cho vay bừa bãi đã vượt quá mảng cho vay dưới chuẩn, vượt quá thị trường địa ốc, và vượt quá cả biên giới của nước Mỹ.
Dự báo kinh tế là một việc khó. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nói chung đã thể hiện quá tệ khi chẩn đoán sức khỏe của nền kinh tế Mỹ khi nền kinh tế này rơi vào suy thoái và sau đó chuyển sang sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng.
Vào tháng 12/2007, tức là khi kinh tế Mỹ chuẩn bị rơi vào suy thoái, Cục Dự trữ bang Philadelphia đã tổ chức một cuộc điều tra đối với các nhà dự báo kinh tế hàng đầu. Kết quả của cuộc điều tra này là dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2008 và nước này sẽ có thêm trên 100.000 việc làm mới mỗi tháng trong năm 2008. Tuy nhiên, trong cả năm 2008, tháng nào nước Mỹ cũng mất thêm việc làm và tăng trưởng gần như đình lại.
Vào giữa quý 4/2008, các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong quý từ 0,7% xuống âm 2,9%, nhưng trên thực tế, kinh tế Mỹ trong quý đó đã sụt giảm 6,3% so với cùng kỳ. Các chuyên gia dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ quý 1/2009 sẽ là 7%, nhưng tới tháng 3 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên tới 8,5%.
Rõ ràng, các chuyên gia dự báo kinh tế không phải lúc nào cũng nhìn vào những hàn thử biểu chính xác, và không phải lúc nào họ cũng giúp ích cho những doanh nghiệp mà họ phục vụ.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Martin Feldstein của Cục Dự báo kinh tế Quốc gia Mỹ đã từng có chân trong hội đồng quản trị của hãng bảo hiểm AIG suốt hai thập kỷ. Vào năm 2008, ông là thành viên của ủy ban tài chính, cũng như ủy ban quy chế và luật pháp thuộc hội đồng quản trị của tập đoàn này. Tuy nhiên, đây cũng chính là những bộ phận hứng chịu nhiều sóng gió nhất trong AIG khi tập đoàn này có nguy cơ đổ vỡ nếu không được Chính phủ Mỹ bơm vốn thời gian qua.
Nhà kinh tế học huyền thoại Henry Kaufman của Phố Wall là chủ tịch ủy ban tài chính và giám sát rủi ro của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers khi ngân hàng này lâm vào cảnh phá sản.
Liệu có là phi lý hay không nếu người ta kỳ vọng các nhà kinh tế học xuất sắc phải có sự hiểu biết thấu đáo về những công việc kinh doanh phức tạp mà đến cả các giám đốc điều hành và các lãnh đạo khác của ngành ngân hàng không có được? Câu trả lời có lẽ là “có”. Nhưng thất bại của các nhà kinh tế có lẽ là những thất bại mang tính nghề nghiệp hơn là những thất bại của con người bình thường.
Nhiều khả năng, những lý thuyết mà các nhà kinh tế học từ trước tới vẫn dựa vào đã lỗi thời và không thể lý giải nổi những hành vi xảy ra trong suốt thời kỳ bong bóng tín dụng ở Mỹ. Thay vào đó, những lỹ thuyết này đang dần được thay thế bởi những lý thuyết hiện đại hơn, bắt nguồn từ các bộ môn xã hội học, nhân chủng học và tâm lý học, và cả kinh tế học cổ điển nữa. Có lẽ, các nhà kinh tế học hành vi đang nổi lên chẳng mấy ngạc nhiên về những hành vi “trái khoáy” đang diễn ra trên thị trường.
Đến đây, nhiều người muốn trở lại với câu hỏi ban đầu: Vậy đâu là đối tượng đáng bị chỉ trích nhiều hơn, lãnh đạo ngân hàng hay các nhà kinh tế?
Rõ ràng, các giám đốc nhà băng chịu nhiều thiệt hại về tài chính hơn trong lần khủng hoảng này, và họ có thể còn mất mát thêm nữa. Nhưng về chuyện danh tiếng, tác giả bài viết này cho rằng, lãnh đạo ngân hàng và các nhà kinh tế cũng thiệt hại nhiều như nhau.
Có một điểm chung giữa cách mà hai đối tượng này phản ứng trước khủng hoảng tài chính là dường như họ đều ít tự kiểm điểm bản thân. Động thái tự phê bình lớn nhất của Greenspan chỉ là thừa nhận rằng, ông “nhận thấy một sai lầm” trong lý thuyết của mình.