Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lời giải nào cho bài toán giá quặng sắt thế giới?

Cuộc mặc cả chung quanh giá quặng sắt đã có thêm những diễn biến mới khi Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc đạt được thỏa thuận giảm giá với tập đoàn Fortescue Úc.

Trung Quốc xuống thang

Hãng tin Bloomberg hôm thứ Hai đưa tin, Trung Quốc sẽ đề nghị ba tập đoàn cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới - là Vale SA (Brazil), BHP Billiton và Rio Tinto (Anh-Úc) giảm giá bán quặng sắt theo hợp đồng của năm nay là 35% so với mức giá năm ngoái. Trước đây, Trung Quốc đề nghị giảm 45%, song các nhà cung cấp không đồng ý và cuộc thương lượng về giá quặng sắt rơi vào bế tắc sau bảy tháng đàm phán căng thẳng.

Trong khi đó các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã cùng với các nhà cung cấp thỏa thuận được mức giảm giá quặng sắt theo hợp đồng năm nay là 33% đối với quặng sắt Úc (do Rio Tinto và BHP Billiton cung cấp), khách hàng châu Âu cũng đồng ý mức giảm giá 28% đối với quặng Brazil có chất lượng tốt hơn.

Sự bế tắc trong cuộc đàm phán giá quặng sắt giữa Trung Quốc và các nhà cung cấp đã dẫn tới những hệ quả tiêu cực cho cả đôi bên. Bốn nhân viên của Rio Tinto tại Thượng Hải đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam và truy tố về tội đánh cắp bí mật thương mại và hối lộ. Các công ty sắt thép của Trung Quốc, vì không mua được quặng sắt theo hợp đồng, đã phải mua theo giá giao ngay, cao hơn nhiều so với giá mà các đối thủ cạnh tranh tại Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng.

Để tránh thiệt hại thêm nữa, Trung Quốc đã quyết định “xuống thang” bằng cách chấp nhận trả cao hơn 10% so với giá đề nghị trước đây và gần với mức giá mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã thỏa thuận.

Để hỗ trợ cho việc mặc cả ở mức giá mới, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) đã tìm cách đạt được thỏa thuận về giá với tập đoàn Fortescue Metals Group (FMG) - nhà cung cấp quặng sắt lớn thứ ba của Úc, sau BHP và Rio Tinto. Theo thỏa thuận này, tập đoàn sắt thép lớn nhất Trung Quốc Baosteel Group Corp. và các công ty thép khác sẽ trả cho Fortescue 55,5 đô la Mỹ/tấn quặng, thấp hơn giá 61 đô la Mỹ/tấn mà Rio Tinto thu của các khách hàng Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc họp báo “khẩn” tại Bắc Kinh hôm thứ Hai, ông Shan Shanghua, Tổng thư ký CISA, cho biết CISA sẽ dùng mức giá thỏa thuận được với Fortescue làm cơ sở đàm phán. “Trung Quốc sẽ áp dụng mức giá này trong cuộc thương thảo với BHP, Rio và Vale”, ông Shan nói với báo chí và tiết lộ rằng Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn thỏa thuận này.

Phiên bản mới của kịch bản “Chinalco-Rio Tinto”?

Để được Fortescue “ưu đãi” về giá, CISA phải thu xếp để các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cung cấp tín dụng cho Fortescue từ 5,5-6 tỉ đô la Mỹ trước ngày 30-9 năm nay. Ông Andrew Forrest, Tổng giám đốc của Fortescue, cho biết khoản vay này rất cần thiết để tập đoàn này trả nợ, mở rộng sản xuất, nâng sản lượng hàng năm từ 45 triệu tấn quặng hiện nay lên 95 triệu tấn/năm vào năm 2012.

Một điểm đáng chú ý nữa là tháng 3-2009, trong cơn khát vốn, Fortescue đã chấp nhận bán 17,4% cổ phần cho Công ty sắt thép Hunan Valin của Trung Quốc với giá 900 triệu đô la Mỹ, biến công ty này thành cổ đông lớn thứ hai của tập đoàn. Tổng giám đốc của Hunan Valin vừa có chân trong hội đồng quản trị của Fortescue vừa là quan chức hàng đầu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc CISA.

Việc cung cấp tín dụng từ Trung Quốc, cũng như vai trò của Công ty Hunan Valin trong tập đoàn Fortescue giống với vai trò của tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chinalco) trong tập đoàn Rio Tinto khiến giới quan sát nghi ngờ sự tái diễn kịch bản “Chinalco-Rio Tinto” (xem bài “Vì sao Rio Tinto hủy bỏ hợp đồng với Chinalco?” trên TBKTSG số 25-2009 ngày 11-6-2009). Khoản tín dụng mới có khả năng sẽ mở đường để Trung Quốc nắm toàn bộ quyền kiểm soát tập đoàn Fortescue, thực hiện mong muốn họ đã làm với Rio Tinto nhưng không thành công.

Đứng về góc độ thị trường, đầu tư vào Fortescue là quyết định sáng suốt. Tại bang Tây Úc, Fortescue đã có sẵn cơ sở hạ tầng, cảng biển và bộ máy sản xuất, chỉ thiếu vốn để mở rộng hoạt động. Cái khó là ở chỗ, năng lực của Fortescue quá nhỏ bé, sản lượng quặng sắt hàng năm (45 triệu tấn) chỉ bằng hai phần năm so với BHP Billiton (114,5 triệu tấn) và chưa bằng một phần ba so với Rio Tinto (151 triệu tấn). Hai ông lớn này cũng không chịu ngồi yên, BHP đang đầu tư 4,8 tỉ đô la Mỹ để nâng công suất lên 205 triệu tấn vào năm 2011, và lên 350 triệu tấn vào những năm sau còn Rio Tinto cũng đã có kế hoạch tăng lên 320 triệu tấn trong thời gian tới. Cho dù Fortescue nhận được 6 tỉ đô la từ Trung Quốc thì năng lực của họ vẫn không vượt quá mức 110 triệu tấn/năm và phải mất rất nhiều năm nữa mới đạt được.

Nhưng người Trung Quốc nhắm tới mục tiêu khác: phá bỏ thế độc quyền của ba tập đoàn quặng sắt lớn, giành quyền ấn định giá cho các công ty Trung Quốc. Ông Liu Zhenjiang, Phó chủ tịch CISA, nói thẳng: “Thật không công bằng cho Trung Quốc khi các nước nhập khẩu chỉ 10, 20 triệu tấn quặng sắt lại định giá và buộc Trung Quốc - tiêu thụ mỗi năm 500 triệu tấn quặng, phải đi theo”.

“Các công ty thép Trung Quốc đang cố pha loãng sự tập trung nguồn cung cấp quặng sắt. Họ sẽ còn thực hiện nhiều vụ mua bán sáp nhập như thế này”, ông Mark Pervan, chuyên viên cao cấp về thị trường hàng hóa của Ngân hàng ANZ, nhận định. Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc đã bỏ ra tới 56 tỉ đô la Mỹ vào nhiều dự án khai thác quặng sắt trên toàn thế giới nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Vale SA, Rio Tinto và BHP Billiton - ba tập đoàn cung cấp tới hai phần ba sản lượng quặng sắt toàn cầu. Còn theo dự báo của Deloitte Touche Tohmatsu, Trung Quốc có thể bỏ ra 500 tỉ đô la Mỹ để làm chủ các nguồn tài nguyên ở nước ngoài trong vòng tám năm tới.

Khó xoay chuyển tình thế

Trở lại vấn đề giá quặng sắt, hãng tin Bloomberg cho biết, khối lượng quặng sắt mà Fortescue cung cấp cho Baosteel và các khách hàng Trung Quốc với mức giá trên chỉ là 20 triệu tấn, giao hàng trong sáu tháng, tính từ 1-7 và kết thúc vào ngày 31-12-2009. Đến thời điểm đó, hai bên sẽ đàm phán để ấn định giá quặng cho năm 2010.

Theo ông Zhou Xizeng, nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Citic tại Bắc Kinh, qua thỏa thuận này, “Fortescue và Trung Quốc hy vọng sẽ góp phần phá vỡ thế độc quyền của BHP và Rio”, buộc hai “ông lớn” phải nới lỏng giá cả. Nhưng một số phân tích gia khác tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của chiến lược đó. “Thỏa thuận về giá giữa Fortescue và CISA sẽ không chấm dứt được cuộc mặc cả dai dẳng giữa Trung Quốc và các nhà cung cấp quặng sắt hàng đầu. Fortescue quá nhỏ bé, không thể sắm vai người đại diện trong việc ấn định giá quặng sắt toàn cầu”, ông Hu Kai, phân tích gia của Viện Nghiên cứu Umetal tại Thượng Hải, nhận định. Khối lượng quặng sắt mà Fortescue cung cấp trong sáu tháng chỉ đủ cho Trung Quốc xài trong nửa tháng. Còn ông Gervase Greene, phát ngôn viên của Rio Tinto, thì cho biết: “Chúng tôi không thấy thỏa thuận giá cả này có liên quan gì tới chính sách giá năm 2009 của chúng tôi”.

Như vậy, khả năng Rio Tinto và BHP giảm 35% giá quặng hợp đồng như đề xuất của CISA sẽ khó thành hiện thực. Thị trường quặng sắt toàn cầu cũng tỏ ra không thuận lợi với Trung Quốc. Theo Forbes, từ khi cuộc đàm phán về giá quặng sắt giữa Trung Quốc với BHP và Rio Tinto sụp đổ, giá quặng sắt giao ngay đã tăng dần và hiện cao gấp đôi so với giá ba tháng trước. Các công ty sắt thép Trung Quốc, đang phải mua nguyên liệu với giá 110 đô la Mỹ/tấn, khó mà buộc các nhà cung cấp phải giảm giá xuống mức 55,5 đô la Mỹ/tấn như giá của Fortescue.

Chính nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đã đẩy giá quặng lên. Từ năm 2003 Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước mua nhiều quặng sắt nhất, năm ngoái Trung Quốc mua 52% sản lượng quặng sắt thế giới và năm nay con số này là 65% nhờ được thúc đẩy bởi gói kích cầu của chính phủ, theo số liệu của Ngân hàng Morgan Stanley. Tháng 7 vừa qua, sản lượng thép của Trung Quốc tăng 13%, lên 50,7 triệu tấn, theo số liệu mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11-8. Lượng quặng sắt nhập khẩu do vậy cũng tăng lên mức kỷ lục 58,1 triệu tấn trong tháng 7.

Có điều, giới phân tích cho rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy sản lượng sắt thép của Trung Quốc đã qua thời cao điểm và sẽ giảm mạnh trong những tháng cuối năm nay khiến nước này không còn nhiều sức nặng trong các cuộc mặc cả. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tài sản cố định - hai lĩnh vực tiêu thụ 50% sản lượng thép của Trung Quốc, đã bắt đầu suy giảm trong tháng 7; số liệu của Ngân hàng Standard Chatered và Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, cho thấy đầu tư vào tài sản cố định trong tháng 7 chỉ tăng 12,7% so với đầu năm, giảm hơn mức 14,6% của tháng 6; số các dự án hạ tầng cơ sở mới khởi công cũng giảm mạnh, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.

(Stockbiz)

ĐỌC THÊM