Theo báo cáo của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), lợi nhuận trong 11 tháng đầu năm nay của 72 doanh nghiệp thành viên đạt 44.8 tỷ RMB (6.59 tỷ USD), giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận tính theo tháng của các doanh nghiệp đang có chiều hướng đi lên. Trong tháng 11, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên đạt 7.26 tỷ RMB, tăng 8% so với tháng 10 và tăng 19% so với tháng 9.
Song, CISA dự đoán lợi nhuận trong tháng 12 của các nhà máy sẽ giảm trở lại do đây là tháng thấp điểm nhất trong năm. Nếu khả quan, các doanh nghiệp thành viên có thể đạt 6.5 tỷ RMB lợi nhuận trong tháng 12 này. Như vậy, tổng lợi nhuận trong năm 2009 sẽ đạt khoảng 50 tỷ RMB, giảm 40% so với năm 2008.
Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu sử dụng khá trầm lắng suốt năm qua, cộng thêm đợt giảm giá mạnh mẽ của thị trường nội địa vào khoảng đầu tháng 8 năm nay. Ngoài ra, lượng xuất khẩu giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất. Tồn kho cao, sản lượng vượt nhu cầu sử dụng khiến cho doanh số bán hàng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lợi nhuận giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 10, các nhà máy bắt đầu nâng giá xuất xưởng, thúc đẩy giá giao ngay trên thị trường tăng trưởng mạnh. Các nhà máy lớn như Baosteel, Angang, Shougang, Wugang… công bố cắt giảm sản lượng. Song, các quan chức của những nhà máy này cho biết, đơn đặt hàng rất nhiều, lịch sản xuất của nhà máy đã được sắp xếp đến cuối quý 1 năm sau.
Có thể thấy, mặc dù mặt bằng lợi nhuận chung của toàn ngành thép Trung Quốc năm nay sụt giảm nghiêm trọng, nhưng đối với các tập đoàn lớn, điều này chưa hẳn đúng. Những tập đoàn sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ kỹ thuật tiên tiến sẽ có lợi nhuận nhiều hơn các nhà máy quy mô nhỏ.
(Sacom)