Theo số liệu được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố mới đây, trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất năm 2021 (V.1000), có rất nhiều doanh nghiệp thuộc ngành thép.
Trong đó chỉ riêng Hòa Phát có thành viên là Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương đứng vị trí thứ 23, nằm trong top 30 đơn vị nộp thuế TNDN lớn nhất, Ống thép Hòa Phát xếp thứ 121. Ngoài ra còn có 8 công ty thành viên khác của Hòa Phát có trong danh sách V.1000. Số thuế TNDN năm 2020 của Hòa Phát là 1.717 tỉ đồng, tăng 11% so với 2019. Năm 2021 là 2.743 tỉ đồng, tăng 60% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, số thuế TNDN nộp của Hòa Phát đạt 853 tỉ đồng.
Tuy nhiên bước sang quý III năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép đang có dấu hiệu lao dốc mạnh so với nửa đầu năm và 2 năm trước. Triển vọng kinh doanh ảm đạm đang thể hiện vào kết quả kinh doanh của nhiều công ty thép. Cụ thể Công ty Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) có kết quả lỗ đến 25 tỉ đồng trong quý III vừa qua (cùng kỳ lãi 10 tỉ đồng). Kết quả này là do sản lượng tiêu thụ thấp hơn 21.895 tấn (giảm 11%) so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến doanh thu sụt giảm 15% về 2.600 tỉ đồng.
Tương tự, thép Vicasa Vnsteel cũng báo cáo doanh thu thuần giảm 17% về 477 tỉ đồng. Công ty bất ngờ lỗ ròng 22 tỉ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 2 tỉ) và là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009. Điều này dẫn đến lợi nhuận lũy kế 9 tháng quay đầu về âm 12 tỉ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ ít, giá bán giảm nhanh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng nhanh đã dẫn tới kết quả ảm đạm trên. Còn Thép Thủ Đức Vnsteel dù vẫn có doanh thu tăng nhẹ 2% lên 412 tỉ đồng trong quý III song do giá thép lao dốc và chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty bị lỗ 22 tỉ đồng, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi cổ phần hóa.
Ngay với Hòa Phát, báo cáo bán hàng giai đoạn tháng 7-9 chỉ đạt 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Hòa Phát lý giải nhu cầu thị trường chung thấp trong tháng 9, kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Chính vì vậy theo một ước tính sơ bộ của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát trong kỳ này có thể chỉ đạt khoảng 2.100 tỉ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh của quý III/2021 do giá bán thép giảm và giá than cốc đầu vào tăng cao, cùng một khoản lỗ chênh lệch tỉ giá.
Nguồn tin: Lao động