Mở đầu phiên giao dịch ngày 22/1, cổ phiếu của Công ty CP Ðầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) đã giảm sàn xuống mức 13,95 đồng. Kết quả thua lỗ trong quý IV/2018 và lợi nhuận cả năm sụt giảm mạnh là nguyên nhân tiêu cực khiến cổ phiếu SMC lao dốc. Lợi nhuận giảm mạnh cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp thép khác, thậm chí là thua lỗ.
Giá thép giảm sâu là nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép giảm đột biến. Ảnh: Tuấn Vân
Kết quả đã được báo trước
Trong quý IV/2018, SMC ghi nhận 4.231,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới 98% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn 92,6 tỷ đồng, giảm mạnh gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi doanh thu tài chính giảm mạnh hơn một nửa, chỉ còn hơn 11 tỷ đồng thì chi phí tài chính lại lên tới hơn 69 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều thấp hơn và hoạt động khác có lãi nhưng SMC vẫn chịu lỗ ròng hơn 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 lợi nhuận sau thuế đạt hơn 58 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Công ty, từ tháng 5/2018, giá thép giảm liên tục và giảm sâu trong quý IV/2018 từ 6% đến 8%. Giá thép giảm dưới giá tồn kho nên biên lợi nhuận năm 2018 giảm 6%, giá vốn tăng 32% so với cùng kỳ năm trước khiến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng cao do Công ty phải thực hiện trích thêm dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng công nợ.
Lũy kế cả năm 2018, SMC đạt 16.452,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với năm 2017, nhưng do giá vốn và chi phí tăng cao khiến lãi ròng chỉ còn gần 170 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2017.
Tương tự như trường hợp của SMC, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 với kết quả báo lỗ lớn hơn 18 tỷ đồng. Kết quả, năm 2018, TISCO ghi nhận lãi sau thuế 28,13 tỷ đồng, giảm 71,5% so với năm 2017 và mới hoàn thành chưa đến 20% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Mặc dù chưa có báo cáo chính thức, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho biết, năm 2018, doanh thu hợp nhất đạt 24.500 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 575 tỷ đồng; so với kết quả của năm 2017, lợi nhuận của VNSteel đã giảm 36%.
Các công ty khác như Công ty CP Thép Dana - Ý, Công ty CP Thép Đà Nẵng, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất… cũng báo lợi nhuận cả năm 2018 sụt giảm mạnh.
Có thể thấy, tình trạng sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép đã được dự báo từ trước khi mà kết quả kinh doanh các quý trước đều cho thấy biên lợi nhuận gộp giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cạnh tranh khốc liệt
Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2019 mới được Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố cho biết, trong năm 2019, ít khả năng giá thép giảm sâu xuống dưới 12 triệu đồng/tấn do thuế tự vệ bổ sung vẫn còn kéo dài tới hết tháng 3/2020, thép phế liệu vẫn duy trì ở mức khá cao (350 USD/tấn) so với giai đoạn 2015 - 2017 (250 - 300 USD/tấn), cùng với việc bị siết chặt nhập khẩu dẫn tới các nhà sản xuất từ lò điện sẽ có xu hướng nhập phôi đang giảm giá từ Trung Quốc về để cán.
Trong kịch bản giá nguyên liệu đi ngang ở thời điểm hiện tại, VCBS ước tính, điểm hòa vốn của các doanh nghiệp ngành thép sẽ từ mức khoảng 12,035 triệu đồng/tấn. Đây được xác định là mức giá tối thiểu của thị trường Việt Nam.
Cũng tại báo cáo, VCBS nhận định, sản lượng tiêu thụ thép tiếp tục tăng trưởng do đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2019, đặc biệt là các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy vậy, thị trường thép trong năm 2019 được dự báo có sự cạnh tranh gay gắt hơn. Tổng giám đốc VNSteel Nguyễn Đình Phúc lo lắng: “Năm 2019 dự báo có nhiều khó khăn hơn với VNSteel. Formosa, Hòa Phát và một số dự án mới đi vào hoạt động làm cho miếng bánh thị phần càng thu hẹp, cuộc chiến về giá để giành thị phần rất khốc liệt”.
Nguồn tin: Đấu thầu