Không ngoài dự báo của ông Trần Đình Long, một loạt doanh nghiệp ngành thép như Hòa Phát, Thép SMC, Thép Mê Linh, Gang thép Thái Nguyên, Gang thép Cao bằng đã báo lãi quý 2 giảm sâu, thậm chí Thép Thủ Đức còn lỗ.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) diễn ra hồi tháng 5, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát từng nhận định hoạt động của ngành thép năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, mặc dù kết quả kinh doanh quý 1 khá tốt.
"Quý cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Trần Đình Long chia sẻ. Và thực tế, một loạt doanh nghiệp ngành thép đã báo lãi quý 2 giảm sâu, thậm chí thua lỗ.
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu 37.714 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 59% so với quý 2 năm ngoái xuống còn 4.023 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 24% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, doanh nghiệp thép đầu tiên công bố báo cáo quý 2 là Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm đến 92% so với cùng kỳ xuống còn 42,5 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của SMC đạt 123 tỷ đồng, giảm hơn 83% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong khi đó, giải trình về việc lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm đến 93% so với cùng kỳ còn vỏn vẹn gần 1,7 tỷ đồng, Thép Mê Lin (mã MEL) cho biết, bước sang quý 2/2022 do chịu tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, nên doanh thu giảm, lợi nhuận cũng giảm.
Tương tự, Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) cũng báo lãi quý 2 giảm đến 90% so với cùng kỳ xuống còn gần 6 tỷ đồng dù doanh thu chỉ giảm 10% xuống 3.190 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 6.923 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 66% xuống 34,9 tỷ đồng.
Không khả quan hơn là mấy, lợi nhuận sau thuế quý 2 của Gang thép Cao Bằng (mã CBI) cũng giảm tới 88% xuống còn 17,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng sau thuế của công ty chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Thép Thủ Đức (mã TDS) là doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ trong quý 2 với lợi nhuận sau thuế âm gần 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6,1 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ. Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho tăng cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng dòng tiền, đồng thời, việc siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ góp phần làm chi phí tài chính đặc biệt là lãi vay tăng cao.
Vì đâu nên nỗi?
Một trong những nguyên nhân khiến ngành thép khó khăn được ông Long nêu ra là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt giá than luyện tăng cao. Việc nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép. Theo dữ liệu từ tradingeconomics, giá than sau khi điều chỉnh vào cuối quý 1 đã liên tục tăng mạnh trở lại và đang dao động quanh đỉnh.
Ở chiều ngược lại, giá thép đã hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh. Tại thị trường thế giới, giá HRC đã giảm gần 40% trong 4 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.
Không nằm ngoài xu hướng trên, giá thép nội địa cũng đã giảm liên tiếp 10 lần trong 10 tuần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền. Giá thép giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn leo thang khiến biên lợi nhuận ngành thép bị ảnh hưởng dù doanh thu vẫn được hỗ trợ bởi sản lượng tiêu thụ.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn tương đương sản lượng tháng 5/2022, cao hơn nhiều so với mức 56% sản lượng tháng trung bình 3 năm 2019-2021. Mirae Asset cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm từ đầu tháng 6.
Đánh giá triển vọng ngành thép 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset đã hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính. Nguyên nhân do áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.
Thêm nữa, ngành thép và tôn mạ sẽ tiếp tục đối diện nhiều rủi ro như biến động giá nguyên liệu. Theo ước tính chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Các công ty thép và tôn mạ thường có yếu tố đầu cơ giá quặng sắt và HRC, nếu giá HRC giảm mạnh sẽ khiến giá bán của các công ty tôn mạ và ống thép điều chỉnh.
Về lợi nhuận cả năm 2022, SSI Research dự báo Hòa Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của Hoa Sen Group (mã HSG) cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với Thép Nam Kim (mã NKG), lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.
Nguồn tin: Cafef