Nhiều nhà máy sản xuất thép Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm một lượng lớn thép đầu ra và đóng cửa một số nhà máy để vượt qua khủng hoảng.
Các nhà máy thép của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm một lượng lớn công suất trong một vài tháng tới. Nhiều quan chức cũng như nhiều chuyên gia phân tích cho rằng kết quả này là do nhu cầu về thép sụt giảm nghiêm trọng. Điều này dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ của nhiều nhà sản xuất, cùng lúc với việc các ngân hàng thắt chặt hoạt động tín dụng.
Hiệp hội Sắt thép của Trung Quốc (CISA) cho biết trong 3 quý đầu năm 2015, nhiều nhà máy sản xuất thép hàng đầu tại nước này đã bị thua lỗ tổng cộng 28,12 tỷ NDT (tương đương 4,42 tỷ USD).
"Kể từ năm 2010, cơ quan chính phủ Trung Quốc đã ban hành 20 văn bản chính sách để cắt giảm bớt phần công suất không hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn rất khiêm tốn", phó chủ tịch CISA Zhu Jimin phát biểu trong một cuộc họp. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng với mức giá thép xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành sẽ bắt đầu phải đóng cửa nhà máy.
Đơn cử, Bayi Steel, một công ty con của nhà máy sản xuất thép lớn thứ hai tại Trung Quốc là tập đoàn Baosteel, đã phải đóng cửa một xưởng sản xuất với công suất 3 triệu tấn thép/năm.
Một công ty khác là Hangzhou Iron & Steel cho biết họ sẽ đóng cửa cơ sở sản xuất chính Banshan vào cuối năm 2015, và Công ty Maanshan Iron & Steel cũng sẽ đóng cửa một số dây chuyền sản xuất trong quý IV tới đây.
Zhao Chaoyue, một chuyên gia phân tích tại Merchant Futures ở Quảng Châu cho rằng: "Việc cắt giảm sản lượng sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa vào quý I/2016, mặc dù mức giảm sẽ khá chậm. Theo đó, tình trạng này kéo theo giá quặng nhiều khả năng còn giảm sâu hơn nữa, xuống mức trung bình 40-50 USD/tấn trong năm tới". Được biết, kể từ đầu năm cho đến nay, giá quặng sắt đã giảm gần 30% xuống còn 50,8 USD/tấn.
Với tình trạng này, nhiều công ty thép tư nhân của Trung Quốc hiện đang thua lỗ sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong thời gian tới, nếu các ngân hàng tiến hành thu hồi vốn.
"Đây là một xu hướng khá rõ ràng khi tín dụng được thắt chặt hơn. Một khi dòng tiền bị cắt giảm sẽ đẩy nhà máy sản xuất thép đi đến tình trạng phá sản", ông Xu LeJiang hiện là chủ tịch của Baosteel nói.
Theo số liệu thống kê CISA, sản lượng thép đầu ra của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đã giảm 2,1% xuống còn 609 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thép tại thị trường nội địa giảm 5,8%. Như vậy mức cắt giảm sản lượng thép tại Trung Quốc vẫn chậm hơn mức sụt giảm trong tổng cầu.
Hiện tại, Trung Quốc đang sản xuất ra khoảng 1,25 tỷ tấn thép mỗi năm, theo đó ước tính số thép dư thừa là khoảng 300 triệu tấn.
"Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay thì có hai cách để giải quyết cho tình trạng dư thừa sản lượng thép. Một là gia tăng tổng cầu, và hai là cắt giảm sản lượng. Chiếu theo thực trạng hiện nay thì rất khó để tăng lực cầu đối với sản phẩm thép", ông Zhu nhấn mạnh. Như vậy, Trung Quốc chỉ còn cách cách giảm sản lượng để giải quyết bài toán khó này.
Nguồn tin: NCĐT