Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ được ban hành cuối tháng 12/2017 với nội dung chủ đạo là giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ, bảo hộ hàng trong nước… Điều này được đánh giá về lâu dài sẽ tác động không nhỏ tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị bất lợi nhiều nhất
Theo Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ, thuế thu nhập của doanh nghiệp Hoa Kỳ giảm từ 35% xuống 21%. Lợi nhuận của các công ty Hoa Kỳ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn áp dụng chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ…
Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ được nhiều chuyên gia chỉ ra là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến Trung Quốc. Thực tế Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng bị vạ lây.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, dẫn lời TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trên Báo điện tử Pháp luật cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có nguy cơ cao bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá. Trong đó, những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lớn, như: thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị tác động nhiều nhất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể nói chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là khá “khó chịu” và khó đoán. Xu hướng vẫn là “siết” hàng hóa nhập khẩu, ưu tiên chính sách “nước Hoa Kỳ trước tiên” trong đó tập trung cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu... Và như vậy, sẽ có một số chính sách mới kèm theo cho công cuộc cải cách thuế, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.
Dẫn lời ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trên Báo điện tử Hải quan cho biết, hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ liên tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thủy sản Việt Nam. Đây là hình thức rào cản mang tính chất bảo hộ của Hoa Kỳ với sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp thủy sản vẫn phải nỗ lực từng năm, có biện pháp đối phó, vượt qua rào cản để tiếp tục xuất khẩu.
Theo tinh thần Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ, khi các ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, bảo hộ hàng trong nước ngày càng gia tăng, đương nhiên ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm khó khăn nhất định. Có thể nói là, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ khó chồng khó.
Bên cạnh thủy sản, thép cũng là ngành hàng đang trong cảnh chật vật bởi những chính sách khắt khe bảo hộ hàng trong nước của Hoa Kỳ.
Cụ thể, mới đây, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản phẩm tôn mạ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi đó, thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, những nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép xuất khẩu vào Hoa Kỳ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà không phải nguồn gốc không phải từ Trung Quốc.
Liên quan tới việc áp thuế nêu trên tác động tới mặt hàng thép, dẫn lời ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trên Báo điện tử Dân trí cho biết, có thể nói, thép Việt Nam đang phải chịu “oan” từ thép Trung Quốc. Kết luận từ phía Hoa Kỳ còn thiếu cơ sở và Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan, thậm chí dự định sẽ khởi kiện ra WTO nếu Hoa Kỳ không thay đổi quyết định.
Tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam về lâu dài
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của Luật Cải cách thuế mới của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.
Cụ thể, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới khi Hoa Kỳ thực hiện Luật cải cách thuế mới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng thích hợp.
"Cần rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này", Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các vấn đề Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khuyến nghị về thuế và đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/03/2018.
Theo tổ tư vấn của Thủ tướng, chính sách thuế của Hoa Kỳ trước mắt có thể chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng về lâu dài thì tác động không nhỏ với Việt Nam.
"Bởi một khi các nền kinh tế khác áp dụng biện pháp phòng vệ, như: điều chỉnh chính sách tỷ giá, kiểm soát ngoại tệ sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế, qua đó tác động đến Việt Nam, đặc biệt gây ảnh hưởng tới tỷ giá…", Tổ tư vấn đưa ra cảnh báo.
Thay đổi cách làm để thích nghi
Dù đối mặt với không ít khó khăn khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách thuế, nhưng cơ hội từ thị trường này vẫn không ít.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, những mặt hàng xuất siêu sang Hoa Kỳ vẫn có thế mạnh về cạnh tranh, nếu biết tận dụng cơ hội sẽ chinh phục thị trường Hoa Kỳ.
Chẳng hạn hàng may mặc Việt Nam nếu bị đánh thuế nặng thêm thì may mặc của Hoa Kỳ cũng khó mà rẻ hơn để các công ty Hoa Kỳ có động lực tham gia vào sản xuất thay thế. Ngược lại, nhân công giá rẻ, lao động lành nghề… sẽ giúp các ngành, như: dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam có ưu thế hơn các đối thủ đến từ nước ngoài để thâm nhập sâu thêm vào Hoa Kỳ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam phải phát triển tốt ngành công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng đầy đủ cho các ngành xuất khẩu thì hàng Việt chắc chắn được thị trường Hoa Kỳ đón nhận mà không lo rào cản kỹ thuật, thuế. Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc thành nước sản xuất hàng điện tử, điện lạnh cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ.
Hay ví dụ đối với xuất khẩu nông sản, thời gian qua, dù Hoa Kỳ là thị trường “khó tính”, song rất nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng đã xâm nhập được. Ngay cuối tháng 12/2017, lô vú sữa đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đánh dấu Việt Nam là nước đầu tiên xuất khẩu được vú sữa vào thị trường này. Điểm mấu chốt dễ thấy là, tất cả lô hàng như trái cây xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều đạt các điều kiện kỹ thuật và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý chiếu xạ…
Xem xét kỹ câu chuyện xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia còn khá lạc quan khi nhận định rằng, thời điểm khó khăn cũng chính là lúc không ít cơ hội mở ra nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng tốt. Hoa Kỳ tuy bảo vệ sản xuất nội địa, song sản xuất ở Hoa Kỳ không đủ để cung cấp cho toàn bộ quốc gia. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt quan tâm thị trường có thể thành lập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, thâm nhập thị trường một cách bài bản.
Dẫn lời chuyên gia Lê Đăng Doanh trên Báo điện tử Thanh niên cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị những mặt hàng thay thế nếu bị áp thuế cho một số mặt hàng đang chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường này.
TS. Doanh cho rằng, Hoa Kỳ chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài. Thế nên, nếu việc áp thuế của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, sẽ giảm là điều chắc chắn. Việc xử lý tranh chấp thương mại, nếu có, không phải diễn ra ngày một ngày hai, hiệu quả hay không thì cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Thế nên, chủ động đối phó bằng mở rộng thị trường, mở rộng mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu là cần thiết.
Nguồn tin: Tài chính