Tuy đã “đánh dấu chấm hết”, nhưng trong quá trình hoạt động, Luyện cán thép Gia Sàng vẫn còn một số vấn đề cần được các cơ quan quản lý Nhà nước làm sáng tỏ.
Công ty Luyện cán thép Gia Sàng được thành lập theo Quyết định số 2218/QĐ0BCN ngày 17/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), hoạt động theo chứng nhận đăng ký kinh doanh sô 4600479342 do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 09/7/2009.
Công ty Cổ phần luyện cán thép Thép Gia Sàng
Năm 2013, sau thời gian lâm vào khủng hoảng, các hoạt động sản xuất chính của nhà máy tạm dừng hoạt động. Năm 2014, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Thái Nguyên ban hành Quyết định số 31/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của công ty Gia Sàng. Năm 2017, toàn bộ nhà xưởng của Luyện cán thép Gia Sàng bị tháo dỡ, di dời đã “đánh dấu chấm hết” cho một biểu tượng của ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Khai báo tài sản bất nhất giữa 2 Tổng giám đốc của 2 thời kỳ
Ông Lê Văn Lợi là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng giai đoạn 2011 – 2014. Ông Bùi Long Xuyên được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2014 – 2019 thông qua buổi họp Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2014 – 2019 và buổi họp Hội đồng quản trị ngày 14/8/2014. Điều đáng nói, việc bàn giao số lượng tài sản của Luyện cán thép Gia Sàng giữa 2 người đại diện trước pháp luật chưa được làm rõ, công khai, cụ thể dẫn đến việc khó khăn trong việc xác định số lượng tài sản bị thất thoát và tài sản thực sự còn của Gia Sàng.
Theo văn bản 26/12/2014 của Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng đã chỉ rõ những chênh lệch trong quá trình khai báo tài sản của Gia Sàng giữa 2 Tổng giám đốc. Cụ thể, ông Bùi Long Xuyên có báo cáo căn cứ trên biên bản kiểm kê tài sản thực tế ngày 21/8/2014 và báo cáo kiểm kê ngày 01/01/2012 cho rằng có 2.862.494.000 đồng là tài sản bị mất cắp, phá hoại và 28.947.320.000 đồng là tài sản không có trong khi tại thời điểm kiểm kê ngày 21/8/2014.
Báo cáo giải trình của ông Lê Văn Lợi cho thấy: tổng số tài sản mà Gia Sàng kê khai mà ông Xuyên nêu thì có một số tài sản như lò điện số 1 và số 2 tại xưởng Luyện thép, 2 máy xúc tại hệ thống thiết bị nâng, thiết bị bốc dỡ, hệ thống xử lý khói bụi lò điện, máy cán 340x3, hệ thống máy kéo dây USZA của xưởng Cán thép, trạm sản xuất oxy, khí nén, ô tô vận tải các loại, máy ủi C100, động cơ điện các loại, đồng thu hồi, thiết bị bằng kim loại mầu đã được thanh lý, bán chứ không phải bị mất cắp. Tài sản bị mất cắp đang được cơ quan công an tỉnh Thái Nguyên điều tra.
Có thể thấy, việc bàn giao tài sản giữa 2 Tổng giám đốc chưa được làm rõ đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định số lượng tài sản thực sự của Gia Sàng, xác định số lượng tài sản bị thất thoát của Gia Sàng. Điều đáng nói ở đây, Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng có 39,66% vốn điều lệ của Nhà nước. Việc thất thoát này chính là làm thất thoát tài sản của Nhà nước cần các cơ quan chức năng làm rõ.
Cần làm rõ “công nợ” của Gia Sàng
Theo thống kê, tổng khoản nợ của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng lên tới 121.3 tỷ đồng. Các khoản nợ này đã được các cơ quan chức năng thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, các khoản phải thu về cho Gia Sàng chưa được các cơ quan chức năng làm rõ.
Trong biên bản giải trình của ông Lê Văn Lợi, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kì 2011 – 2014 đã thống kê các khoản phải thu về gồm có: phải thu khách hàng 5.021.317.178 đồng, phải thu tạm ứng 49.790.274 đồng, và các khoản phải thu khác 297.661.430 đồng. Trong đó, Phần “phải thu khách hàng” với số tiền 5.021.317.178 VNĐ ” (thanh toán trước cho khách hàng mà không có sản phẩm bàn giao) là thuộc về phần Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp thiết bị công nghệ luyện thép – nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường trên mặt bằng hiện hữu xưởng luyện (khi đó ông Nguyễn Ngọc Trung làm Tổng giám đốc và ông Bùi Long Xuyên làm Trưởng phòng dự án thực hiện).
Dự án “Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp thiết bị công nghệ luyện thép – nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường trên mặt bằng hiện hữu xưởng luyện” được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng thông qua với mục tiêu đầu tư: “cải tạo nâng cao thiết bị công nghệ luyện thép – nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường trên mặt bằng hiện hữu xưởng Luyện” công suất 80.000 tấn/năm; giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và cải thiện môi trường. Tổng mức đầu tư của dự án là 90 tỷ đồng do Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng làm chủ đầu tư.
Dự án đã ký 17 hợp đồng kinh tế cho các gói thầu trong đó phần lớn đã thanh toán hoặc tạm ứng cho các đối tác. Trước khi nhà máy bị phá dỡ, dự án không triển khai được và đang trong quá trình dang dở gây tổn thất và thiệt hại nhiều cho công ty. Tính đến ngày 10/11/2014, Công ty đã mất một khoản chi phí lớn lên đến chục tỷ đồng tiền chi phí đầu tư (nếu tính đến cả khoản lãi phải trả cho Ngân hàng thì đã lên đến hơn 15 tỷ đồng) trong đó Chi phí dở dang của Dự án cải tạo là: 3.988.883.386 VNĐ. Dự án dở dang vì thiếu tính khả thi (mặc dù Xưởng luyện thép cũng đã bị phá dỡ để thực hiện Dự án). Công ty không đủ khả năng tài chính, kể cả từ khi bắt đầu xây dựng dự án; các Ngân hàng đều từ chối cung cấp nguồn tài chính cho Dự án.
Quan ngại hơn, các Hợp đồng liên quan như: mua bán thiết bị đúc liên tục 2 dòng, Hợp đồng số 14/HĐKT-DA gói thầu số 1 cung cấp lò LF ngày 19/09/2010 ký với công ty TNHH Lò Điện Tứ Phương Vô Tích đã chuyển 2.835.974.700 đồng, Hợp đồng số 15/HĐKT-DA cung cấp hệ thống hút bụi ngày 09/11/2010 ký với công ty TNHH Thép Tú Ninh đã chuyển 1.600.000.000 đồng chưa được làm rõ. Theo một thành viên Hội đồng quản trị, người này đã nhiều lần có ý kiến về việc phải giải quyết 2 hợp đồng trên cho dứt điểm khi mà dự án không thực hiện được, nhưng đến nay vẫn không thấy có động tĩnh gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài tiếp theo.
Nguồn tin: giadinhvaphapluat